MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xếp hàng dài tràn cả ra đường để chờ đăng ký chạy cho Go-Viet, hầu hết trong số này đều đang chạy cho Grabike. Ảnh Huân Cao

Tài xế GrabBike xếp hàng dài chờ đăng ký… Go-Viet

Huân Cao LDO | 14/08/2018 11:16

Sáng nay 14.8, hàng trăm tài xế GrabBike ùn ùn kéo nhau đến công viên Khánh Hội, quận 4 (TPHCM) để xếp hàng đợi đăng ký chạy cho Go-Viet. Chính thức vận hành từ đầu tháng 8, Go-Viet đã đẩy cuộc đua thu hút tài xế ứng dụng gọi xe vào hồi gay cấn.

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, hơn 90% tài xế có mặt tại điểm đăng ký xe ôm công nghệ Go-Viet là đang chạy cho GrabBike. Lý do để cánh tài xế này “kết hôn” với Go-Viet là hãng đang phát đồng phục miễn phí, hỗ trợ mỗi cuốc chạy xe từ 25.000 đồng, mức chiết khấu chỉ có 10% và quan trọng là hãng rất “o bế” cánh tài xế mới vào.

Tâm sự với PV, anh D một tài xế GrabBike cho biết lý do anh “ly hôn” với Grab vì hãng này bắt mua đồng phục hàng trăm nghìn đồng, chiết khấu lên đến hơn 20%, đối xử độc tài với cánh tài xế khi đơn phương khóa tài khoản mà không để cho người bị khóa giải trình. Khi Go-Viet thành lập, nhiều anh em tài xế đã "cạch" Grab rủ nhau kéo sang Go-Viet đăng ký.

Đi vào vận hành từ đầu tháng 8, Go-Viet đã đẩy “cuộc chiến” dành tái xế xe ôm công nghệ lên đến đỉnh điểm. Ảnh Huân Cao

Theo anh H, mỗi ngày có hơn 500 tài xế đến đăng ký chạy cho Go-Viet, hầu hết trong số này đang là tài xế chạy GrabBike. "Tôi chạy mới một ngày đã kiếm được 800.000 đồng, trong khi cùng thời gian chạy cho Grab thì chưa tới 500.000 đồng. Bên này mới ra, miễn phí cho tài xế hoa hồng với thuế tới 6 tháng nên tranh thủ trước, sau 6 tháng chiếc khấu chỉ có 10%".

Đầu tháng 8, Go-Viet chính thức vận hành ở TPHCM với chiêu đồng giá 5.000 đồng cho mỗi chuyến xe dưới 8km. Nhiều nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên biết được giá cước rẻ của Go-Viet nên cũng chuyển sang đặt xe bên hãng này. "Đi xe buýt 6.000 đồng, trong khi đi Go-Viet chỉ có 5.000 đồng cho quãng đường từ nhà đến công ty dài 6km, nên cả tuần nay tôi toàn đi làm bằng Go-Viet”, anh Tuấn nhân viên văn phòng nói.

 Theo nhiều tài xế GrabBike, lý do họ dứt áo ra đi, đầu quân cho Go-Viet vì bên này có nhiều ưu đãi hơn. Ảnh: Huân Cao

Ngoài Grab và Go-Viet, tại TP.HCM đang có sự góp mặt của hàng loạt ứng dụng gọi xe 2 bánh như Mai Linh Bike, Vato, Aber và gần đây nhất là FastGo. Mỗi hãng đều chiêu thu hút tài xế riêng, “cuộc chiến” dành tài xế của các hãng xe ôm công nghệ đang bước vào giai đoạn khốc liệt.

Không chỉ cạnh tranh khách hàng, cạnh tranh về tài xế cũng đang là quyết định sống còn với các ứng dụng gọi xe. Bởi nó quyết định đến độ phổ biến ở các địa điểm xa, độ nhanh khi khách hàng đặt  xe và khả năng quảng bá thương hiệu trên phố. 

Được biết, Go-Viet được hình thành bởi Go-Jek của Indonesia và chính thức thay thế Uber để cạnh tranh với Grab. Go-Jek hiện có thị phần lớn nhất tại Indonesia với hơn một triệu tài xế nước này tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn