MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài xế tắt app, quán xá, hàng hoá tăng giá bán vì giá xăng kỷ lục

Cường Ngô LDO | 14/05/2022 14:56
Từ ngày 11.5, giá xăng chạm ngưỡng 30.000 đồng/lít, là mức cao kỷ lục. Giá xăng dầu tăng đã gây áp lực lớn đối với nhiều ngành nghề, tác động mạnh tới mặt bằng giá cả, trong đó giá các mặt hàng thực phẩm đã tăng lên.

Xăng tăng mà cước chưa tăng, shipper chọn... tắt app

"Cứ đơn giao hàng 4 giờ là hủy anh em nhé. Tiền cước thì thấp, giao tới 6-7 điểm tốn xăng hỏng xe mà không được cộng điểm thưởng thì chạy làm gì", đó là bài đăng của anh Đông trong một một group về xe ôm công nghệ trên mạng xã hội. 

Theo các shipper này, giá cước đơn giao hàng 4 giờ đang ở mức rất thấp, với khoảng cách 10 km chỉ chưa tới 30.000 đồng tiền cước. Shipper phải chạy xuyên thành phố nhận hàng, rồi giao hàng tới 7 điểm nhưng tiền cước chẳng bù đủ cho tiền xăng, bởi giá xăng hiện tại đã ở ngưỡng kỷ lục - sát 30.000 đồng.

Không chỉ shipper xe 2 bánh, các bác tài chạy dịch vụ xe 4 - 7 chỗ cũng đang đứng ngồi không yên bởi đã vay góp để mua xe chạy dịch vụ. 

Mỗi ngày chạy xe khoảng 50km, trong đó có 30km là có khách với doanh thu 300.000 đồng/ngày, song tiền xăng lên tới gần 150.000 đồng, anh Nguyễn Văn Giản - tài xế của hãng taxi G7 than thở "chạy xe gần như không có lãi".

"Không những không có lãi, mà còn lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới, bởi giá xăng đã "ăn mòn" hết lợi nhuận của tài xế, đấy là chưa kể công sức làm việc và các chi phí gọi đàm của hãng, phí cầu đường, khấu hao xe", anh Giản nói.

Tài xế than thở vì xăng tăng giá. Ảnh: H.N 

Anh Nguyễn Mạnh Tú - chủ nhà xe Mạnh Béo chạy tuyến Hải Dương - Hà Nội cũng cho Lao Động hay, xe anh chạy dầu, mỗi một lượt chạy cả chiều đi và chiều về mất 350.000 tiền dầu, nay anh phải đổ 450.000 đồng mới đầy bình vì giá xăng dầu tăng nhanh.

"Xăng dầu tăng giá quá cao, khiến tôi phải tăng giá vé lên. Bên cạnh đó, cũng phải cắt số lượng xe từ 10 xe xuống còn 5 xe chạy tuyến Hải Dương - Hà Nội. Nếu không làm thế thì doanh nghiệp vận tải như chúng tôi chết đói”, anh Tú bộc bạch.

Giá thực phẩm cũng tăng "dựng đứng"

Biến động giá xăng dầu tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số tiểu thương ở Hà Nội, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.

Trao đổi với Lao Động, chị Đỗ Hạnh - chủ quán bún ngan trên phố Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng khiến cửa hàng chị gặp nhiều khó khăn, bởi hiện các chi phí khác cũng "đội" theo.

Một quán bún ngan tăng giá theo giá xăng và giá nguyên vật liệu. Ảnh: Cường Ngô 

"Việc này buộc tôi phải nâng giá bát bún ngan từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng để tránh lỗ vốn. Để khách hàng biết việc tăng giá, tránh ngỡ ngàng, chúng tôi đã dán thông báo trước cửa quán", chị Hạnh nói và cho biết: "Tờ thông báo ghi rõ, quán chúng tôi sẽ tăng giá một vài món ăn, do xăng và mọi thứ đều tăng giá, mong thông cảm".

Khảo sát tại các chợ dân sinh như Đồng Xa, Dịch Vọng, Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Phùng Khoang (Thanh Xuân)…, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng đột biến.

Cụ thể, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 1.500 - 2.000 đồng so với trước đó. Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg; giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/ lít, tăng 10.000 - 15.000 đồng so với năm ngoái. 

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, đảm bảo chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới, trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay - cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Theo vị chuyên gia, về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc. 

"Liên Bộ Công Thương - Tài chính khi điều hành giá cũng cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả, bền vững.

Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi. 

Chính vì vậy, với diễn biến giá khó đoán như hiện nay, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh", ông Thịnh nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn