MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tài xế công nghệ cho rằng việc thu 10% trên doanh thu là không phù hợp với thực tế. Ảnh: Huân Cao

Tài xế xe ôm công nghệ: Bán sức lao động, sao thu thuế như làm kinh doanh?

Huân Cao LDO | 29/11/2020 14:19

Nhiều tài xế chạy xe công nghệ cho rằng, thực chất họ chỉ là người chạy xe ôm, đi bán sức lao động kiếm tiền nên thu thuế 10% trên doanh thu là bất công.

"Tôi chỉ là người chạy xe ôm"

Từ 5.12 tới đây, tài xế công nghệ phải đóng thuế 10% trên doanh thu thay vì mức thu thuế khoán 3% như hiện nay. Ảnh: Huân Cao

Thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, theo nghị định 126, từ ngày 5.12 tới đây mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

Lý giải về khoản thu này, ngành thuế cho rằng, các doanh nghiệp như Grab, Be và Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ. Do trước đây văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu.

Còn bây giờ nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp trên phải kê khai thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu, trên cơ sở đó doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng.

Gia cảnh chị Hải vì khổ quá mới đi chạy xe ôm. Ảnh: Huân Cao

Chị Lê Phước Hải (43 tuổi, Anh Giang) cho rằng, nhà quản lý dùng từ đối tác hay tài xế xe công nghệ hay hợp tác kinh doanh, nhưng thực chất chị luôn nghĩ mình chỉ là người chạy xe ôm.

"Thực chất tôi chỉ là người chạy xe ôm, lấy công làm lời chứ có đối tác gì đâu. Họ cứ cho là đối tác là người làm kinh doanh rồi thu 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế những người như tôi. Thu thuế như vậy, thà tôi đi làm công nhân để nhận đủ lương, khỏi phải đóng 10% trên số tiền lương mình được nhận. Thú thật, do cuộc sống khổ quá nên phụ nữ như tôi mới đi chạy xe ôm, chứ có ai muốn làm đâu." - chị Hải nói.

"Chúng tôi bán sức lao động, sao thu thuế như làm kinh doanh?"

Anh Nhâm nói mình đi "bán sức lao động để kiếm cơm", nhưng lại đóng thuế như người làm kinh doanh. Ảnh: Huân Cao

Nói về việc thu thuế 10%/doanh thu, anh Phạm Văn Nhâm (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tỏ ra bức xúc. Theo anh Nhâm, mấy ngày nay qua, thông tin phản ánh trên báo chí, hầu hết anh em tài xế trong nhóm chạy xe công nghệ của anh đều cho rằng việc thu này là bất công.

"Phải hiểu rõ là chúng tôi đang bán sức lao động để kiếm tiền, nhưng sao lại thu thuế như người làm kinh doanh. Họ đang nghĩ chúng tôi là những đối tác kinh doanh, nên phải có trách nhiệm đóng 10% trên doanh thu phát sinh. Họ cho rằng, doanh nghiệp đóng thay cho người tiêu dùng, chứ không phải chúng tôi đóng. Tuy nhiên, thực tế thì doanh nghiệp sẽ đẩy hết phần đóng này cho những người chạy xe như chúng tôi." - anh Nhâm nói.

Anh Nhâm cho xem doanh thu chạy từ 5h sáng đến 10h ngày 29.11 chỉ có 36.000 đồng. Ảnh: Huân Cao

Anh Nhâm chia sẻ thêm thông tin, nếu đóng 10% doanh thu như vậy, thu nhập của anh em tài xế sẽ giảm đi rất nhiều và không đủ sống là điều chắc chắn. Nếu tăng giá cước để bù đắp vào doanh thu, thì khả năng khách hàng sẽ giảm đi và đồng nghĩa doanh thu càng giảm.

"Với giá cước như hiện nay, mà từ sáng đến giờ doanh thu của tôi chỉ có 36.000 đồng. Nếu giả sử tăng cước thêm thì liệu có mấy ai đi và doanh thu liệu có tăng không? Tôi còn phải nuôi vợ và đứa con 8 tuổi đang đi học. Cả buổi sáng chạy chỉ được 36.000 đồng như vậy trừ chi phí xăng xe, hao mòn xe, phí quản lý, ăn uống,... thì tôi còn đồng nào để nuôi con không? Nay họ đòi thu 10% doanh thu nữa, thì tôi tin rằng không chỉ có tôi mà nhiều anh em khác sẽ bỏ nghề này." - anh Nhâm nói.

Anh Nhâm cho rằng không chỉ có anh mà nhiều người bạn của anh sẽ bỏ nghề chạy xe công nghệ vì thu nhập thấp, trong khi phải đóng nhiều khoản thuế và phí. Ảnh: Huân Cao

Theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.

Với quy định hiện hành, nếu một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5.12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.

Trường hợp công ty tăng cước xe để giữ nguyên thu nhập của tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 7,3% và người tiêu dùng sẽ gánh khoản tăng thêm này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn