MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
So sánh sách thật và sách giả tại sự kiện First News - Trí Việt công bố khởi kiện Lazada. Ảnh: cắt từ clip.

Tâm điểm 2 vụ VNG kiện TikTok và First News-Trí Việt kiện Lazada

Thế Lâm LDO | 10/09/2020 13:53

Công ty sách First News - Trí Việt đã chính thức công bố khởi kiện Lazada về việc bán sách giả. Trước đó, VNG cũng đã kiện TikTok đòi bồi thường 221 tỉ đồng.

Buộc các nền tảng online phải chịu trách nhiệm

Có một điểm chung trong vụ TikTok và Lazada bị kiện, là hai thương hiệu này không phải hoặc không hẳn là đối tượng trực tiếp vi phạm. Có nghĩa là TikTok không trực tiếp xâm phạm bản quyền ghi âm các bài hát do VNG nắm quyền sở hữu, và Lazada không trực tiếp bán sách lậu xâm phạm bản quyền của First News – Trí Việt.

Nhưng cả hai, bị bên nguyên đơn cáo buộc vi phạm và phải chịu trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của bên cung cấp nền tảng công nghệ cho người dùng đăng tải lên các video ngắn giải trí, hay cho các nhà bán hàng thuê gian hàng để bày bán các sản phẩm.

Trên nền tảng của mình, TikTok đã để cho người dùng tùy tiện sử dụng tổng cộng khoảng 150 bản ghi âm bài hát do Zing (một công ty con của VNG) sở hữu bản quyền lồng ghép vào hơn 11 triệu video ngắn tải lên ứng dụng TikTok mà không xin phép.

Còn trên nền tảng thương mại điện tử của mình, Lazada để cho các gian hàng bán sách giả “Muôn kiếp nhân sinh” do First News – Trí Việt nắm bản quyền xuất bản, với giá bán rẻ hơn sách xuất bản chính hãng có bản quyền từ 48%-50%, gây ảnh hưởng lớn đến nhà phát hành sách thật.

Cũng theo First News - Trí Việt, từ đầu năm 2019 đến nay trên Lazada còn bán nhiều tựa sách giả khác với bản in kém chất lượng, nhiều sai sót, đơn cử như Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn, Nghĩ giàu và làm giàu, Đánh thức con người phi thường trong bạn, Vị tu sĩ bán chiếc Ferrari, Đi tìm lẽ sống...

Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lí website thương mại điện tử, tại Điều 4, Khoản 4 qui định trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải “Loại bỏ khỏi website những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này”.

Việc buộc các nền tảng online phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm xảy ra trên nền tảng đó đang trở thành xu thế và được nhiều quốc gia ủng hộ. Điển hình nhất tại Mỹ, những vấn đề như khoe hình ảnh nhạy cảm trên ứng dụng Zoom dạo tháng 3, các clip nổ súng bạo lực hay phân biệt chủng tộc trên Facebook, đã bị chính phủ, nghị viện phản ứng.

Tâm điểm bản quyền

Ngày nay, việc cung cấp dịch vụ là các nền tảng online đã trở nên phổ biến và thậm chí thống lĩnh nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội.

Tuy nhiên trên không ít nền tảng online tại Việt Nam hiện nay, tình trạng vi phạm tràn lan như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ, lừa đảo…

Theo qui định tại Điều 36, Khoản 8, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử là phải “Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Bản chất của vụ VNG kiện TikTok được tòa án xác định là “tranh chấp sở hữu trí tuệ”, cụ thể là nền tảng TikTok đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với VNG, sử dụng các bản quyền ghi âm bài hát do Zing sở hữu mà không được phép.

Vụ First News – Trí Việt kiện Lazada, bản chất cũng là vấn đề xâm phạm bản quyền. Lazada để các nhà bán hàng bán sản phẩm sách vi phạm bản quyền của First News – Trí Việt trên nền tảng của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn