MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng vào hai yếu tố chính là hưởng cổ tức và tăng giá cổ phiếu. Ảnh: ĐỨC MẠNH

Tâm điểm mùa đại hội cổ đông 2023: Vỡ mộng vì cổ tức

ĐỨC MẠNH LDO | 08/04/2023 21:00

Khi thị trường giá xuống, nhiều người có xu hướng săn mua cổ phiếu để hưởng cổ tức. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong năm nay đã chọn không chia cổ tức khiến nhà đầu tư vỡ mộng. Bên cạnh những doanh nghiệp chia cổ tức đều như VIB, MBB, IDP, BLT... hay có tỉ lệ cổ tức vượt trội 653% như CPH, vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong năm tài chính 2022 chọn không chia cổ tức.

"Cài số lùi" trong trả cổ tức

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) - đã nói về vấn đề không chia cổ tức. Ông cho biết, với kết quả kinh doanh như năm 2022, sau khi cân nhắc rất kỹ, Hội đồng quản trị đã đề xuất không chia cổ tức 2022. Trong khi đó nhiều năm trước, Hoà Phát vẫn được biết đến với lịch sử trả cổ tức đều đặn.

Lý do được ông Long đưa ra là nhu cầu về vốn của năm 2023 rất lớn. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho đại dự án Dung Quất 2, riêng tài sản cố định đến nay là 75.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 3,26 tỉ USD. Hoà Phát thậm chí còn dừng các dự án tại Úc để dành tiền tập trung cho "quả đấm thép" này.

Còn với ngành ngân hàng, trong khi cổ đông các nhà băng khác hào hứng chuẩn bị nhận cổ tức tiền mặt thì Sacombank lại không hề đề cập đến.

Cụ thể, Sacombank (mã chứng khoán STB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.500 tỉ đồng, tăng 50% so với mức thực hiện năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời Sacombank cũng đặt mục tiêu tổng tài sản và tổng nguồn vốn huy động trong năm 2023 tăng 11% so với cuối 2022. Tuy nhiên, trong tài liệu dự kiến trình tới cổ đông lại không đề cập đến việc chia cổ tức, đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp không thực hiện.

Có doanh nghiệp thậm chí còn không đủ dòng tiền để trả cổ tức, kế hoạch vẫn chỉ nằm trên giấy. Tiêu biểu là Công ty CP Hải Phát (mã chứng khoán HPX).

Cổ tức chưa chắc là quả ngọt 

Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng vào hai yếu tố chính là hưởng cổ tức và tăng giá cổ phiếu. Do đó họ có khẩu vị tìm kiếm các doanh nghiệp cơ bản, cổ phiếu phòng thủ, kinh doanh tốt và trả cổ tức ổn định. Cổ tức mỗi năm 10 - 20% sẽ cho về giá trị cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Nếu giá cổ phiếu giảm nhưng cổ tức được giữ nguyên cũng khiến cho tỉ suất cổ tức tăng lên.

Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng tại Chứng khoán MBS - cho biết, phần lớn các cổ phiếu có thể đem lại mức cổ tức trung bình 10%/năm. Nghĩa là chỉ cần cầm cổ phiếu mà không làm gì thì hàng năm vẫn nhận khoản cổ tức 10%, cao hơn lãi suất tiết kiệm.

Tuy nhiên giống như chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ tức tiền mặt không hẳn là quả ngọt miễn phí. Bởi ngay sau ngày chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức, giá cổ phiếu cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng với tỉ lệ chia.

Các chuyên gia khuyên nhà đầu tư lướt sóng không nên mua cổ phiếu trước khi chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức 4 - 5 ngày vì đây là thời điểm giá cổ phiếu cao. Thời điểm bán ra cũng cần cân nhắc vì sau khi giá cổ phiếu bị điều chỉnh, nhịp giảm có thể kéo dài, dễ dàng lấy đi số tiền nhà đầu tư kiếm được từ cổ tức, thậm chí còn khiến bị thua lỗ.

Điều quan trọng là cần chọn được những doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức bền vững với cơ cấu dòng tiền tốt, lợi nhuận chi trả cổ phiếu đến từ hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp chứ không phải đến từ lợi nhuận đột biến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn