MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 7.6 thêm một phiên "xanh vỏ đỏ lòng" (chỉ số chung tăng điểm nhưng số mã giảm điểm áp đảo số mã tăng điểm). Ảnh: Thế Lâm.

Tâm lý thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng do nhiễu loạn thông tin

Thế Lâm LDO | 07/06/2022 15:33
Sau phiên bị bất ngờ đảo chiều kéo tụt từ mức tăng hơn 10 điểm xuống chỉ còn tăng hơn 2 điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 6.6, chỉ số chứng khoán VN-Index tiếp tục lao dốc trong phiên sáng ngày 7.6.

Trong phiên sáng ngày 7.6, VN-Index có thời điểm giảm gần 30 điểm, tiến về sát ngưỡng hỗ trợ gần MA20 quanh 1.260 điểm sau đó về trưa đà giảm mới thu hẹp dần.

Theo Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, thị trường trong phiên giao dịch ngày 6.6 tưởng đã có thể vượt mốc 1.300 điểm.

Nhưng bất ngờ đã xảy ra trong phiên chiều, nguyên nhân chính là cổ phiếu bất động sản - nhóm ngành có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường - bị bán tháo trước thông tin cho rằng lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát, cùng với đó là thông tin về thanh kiểm tra các hồ sơ tín dụng bất động sản với khoản nợ xấu 37.000 tỉ đồng.

Chính vì thế, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục lao dốc mạnh trong phiên giao dịch chứng khoán vào sáng ngày 7.6.

Như vậy, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nhiều do tâm lý, nhưng cũng cần thấy rằng tâm lý thị trường và nhà đầu tư bị tác động mạnh là do thông tin từ 2 tuyến.

Tuyến thứ nhất là dư luận về việc siết chặt nguồn vốn cho vay bất động sản, chứng khoán và kiểm soát chặt trái phiếu doanh nghiệp. Tuyến thứ hai là thông tin từ các cơ quan quản lý, cụ thể là qua các phát ngôn được truyền tải trên các phương tiện truyền thông.

Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, chỉ số VN-Index tiếp tục gặp khó tại ngưỡng 1.300 điểm với nỗ lực bất thành bởi các yếu tố tin tức nhiễu loạn xoay quanh các vấn đề như siết tín dụng cho vay bất động sản…

Từ đó về ngắn hạn, những thông tin này sẽ ảnh hưởng mạnh đến nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 diễn ra tại TPHCM vào ngày 5.6 vừa qua, tại phiên thảo luận chuyên đề “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc Fiin Group, tổ chức chuyên nghiên cứu về thị trường chứng khoán   - đưa ra nhận định rằng: “Năng lực tín dụng trên bình diện chung của các công ty bất động sản Việt Nam cơ bản tương đối an toàn”.

Và theo ông Thuân, việc kiểm soát rủi ro dòng vốn cho vay bất động sản, dòng vốn vào trái phiếu doanh nghiệp nên chặt chẽ nhưng cần có sự phân loại doanh nghiệp để tránh tình trạng doanh nghiệp làm ăn tốt, có sức khỏe tài chính lành mạnh, song lại thiếu vốn phát triển hoạt động kinh doanh.

PGS-TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – trong khuôn khổ tại diễn đàn cũng bày tỏ quan điểm: “Chúng ta cần bơm vốn cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang trên đà phục hồi tốt mà chúng ta không dám bơm vốn, thì sẽ mất cơ hội”.

Nhiều ý kiến tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” cho rằng, kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu cho vay bất động sản, kiềm chế lạm phát nhưng cần cơ chế điều hành tín dụng linh hoạt, để dòng vốn đến đúng khu vực, đối tượng doanh nghiệp đang cần từ đó giúp kinh tế sớm hồi phục và tăng tốc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn