MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ hội sẽ mở ra khi nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh: Nguồn CTCK DSC

Tầm nhìn đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động

Gia Miêu LDO | 30/09/2023 09:30

Thị trường chứng khoán có thêm một tuần giảm điểm sâu, tâm lý nhà đầu tư đã yếu đi khá nhiều kéo theo thanh khoản sụt giảm mạnh và các nhóm ngành đều chịu áp lực điều chỉnh.

Nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất vẫn là cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Nguyên nhân là trong tuần qua, thị trường đón nhận một số thông tin ở bên ngoài, nổi bật là sức ép tâm lý đối với nhiều thị trường lớn, khi đồng USD tiếp tục tăng và lãi suất của Fed, ECB và nhiều ngân hàng Trung ương lớn khác đều được dự báo sẽ giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Ở trong nước, dữ liệu quan trọng nhất là GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, có xu hướng tích cực khi quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%. GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà Nước tiếp tục phát hành tín phiếu trong tuần, nâng mức đã phát hành lên 70.000 tỉ đồng.

Trong những phiên biến động vừa qua, nhà đầu tư đang rất lo lắng và có vẻ cũng dần mất niềm tin vào thị trường. Có thể thấy, áp lực giải chấp vẫn hiện hữu, tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định không phải là điều gì “quá khủng khiếp”.

Ước lượng margin hiện tại quanh 140.000 tỉ đồng (chưa tính nguồn thứ 3) và đã tăng hơn 30% so với đầu năm do thị trường tích cực đã thu hút dòng tiền quay lại và nhà đầu tư tự tin sử dụng đòn bẩy hơn.

Cũng bởi vậy, việc call margin trong giai đoạn hiện tại và sắp tới có khi chỉ số đã giảm hơn 100 điểm từ đỉnh và nhiều cổ phiếu đã giảm từ mức 15-20%. Tuy vậy, điểm tích cực là các công ty chứng khoán đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm qua các giai đoạn thị trường nên việc xử lý call margin linh hoạt và chủ động hơn.

Giai đoạn này thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn và sẽ cần thời gian để thị trường cân bằng và thiết lập một sóng tăng lớn mới.

Điểm tích cực lớn nhất giai đoạn hiện tại chắc có lẽ là hành động mua ròng của khối ngoại và tự doanh, điều này chứng tỏ các tổ chức vẫn đánh giá thị trường trong trung hạn vẫn tích cực và có nhiều cổ phiếu bắt đầu về vùng mua của tổ chức.

Không ít chuyên gia đã đưa ra lời khuyên về việc thị trường chứng khoán sẽ phân hóa và việc nhà đầu tư liên tục mua bán chỉ mang lại lợi nhuận cho công ty chứng khoán thay vì cho cá nhân.

Giai đoạn này không phải là lúc lựa chọn chiến lược trên, cần lựa chọn chiến lược dài hạn, có những cổ phiếu chúng ta nhìn nó với tầm nhìn 5 - 10 năm thì chúng ta sẽ có một tâm thế rất khác. Khi đó có thể hoàn toàn lựa chọn kế hoạch Trading nếu có cơ hội.

Nhưng nhà đầu tư nên có cái nhìn tích cực hơn về tương lai. Bản chất của thị trường chứng khoán trong dài hạn vẫn phải là hướng đến kết quả kinh doanh, chỉ những doanh nghiệp phát triển tốt thì giá cổ phiếu mới tăng mạnh và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần hướng đến triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi sẽ là điểm nhấn đầu tư mạnh mẽ giúp định hình lại thị trường chứng khoán trong giai đoạn 2024 - 2025. Nếu thị trường được nâng hạng, tăng trưởng EPS của VN-Index có thể đạt các mức dự phóng 4%, 20% và 15% cho các năm 2023, 2024 và 2025. PE mục tiêu của thị trường Việt Nam sẽ tăng lên mức 18 lần. Với định giá này, VN-Index có thể bứt phá lên mức 2.300 - 2.500 điểm. Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp dòng vốn ngoại chảy mạnh vào thị trường Việt Nam. Một điểm cộng là dư địa phát triển thị trường vốn ở Việt Nam vẫn còn lớn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn