MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du khách check in phố Hàng Mã, Hà Nội trước thềm Tết Nguyên đán. Ảnh: Lê Tuyến

Tận dụng thời cơ tăng tốc đón khách mùa du lịch Tết Nguyên đán

Huyền Trang LDO | 03/02/2024 06:11

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Việt Nam dự kiến đón nhiều khách từ các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc)... Đây là thời điểm quan trọng để tiếp đà hút khách quốc tế trong mùa cao điểm của thị trường inbound và kích cầu du lịch nội địa.

Tín hiệu tích cực từ khách sạn

Theo thống kê từ nền tảng du lịch Mustgo, một số điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Quảng Ninh, Hội An, Phú Quốc ghi nhận công suất tốt. Đặc biệt, nhiều khách sạn, resort tại Hội An và Phú Quốc đã kín phòng, phần lớn nhờ khách quốc tế.

Dịp Tết, khách du lịch có xu hướng dịch chuyển về phía Bắc, tới những điểm đến vùng núi cao.

Tại Sa Pa - một trong những địa phương có dự báo khả quan về mùa du lịch Tết Nguyên đán, công suất khách sạn có thể thay đổi nhiều vào những ngày sát kỳ nghỉ, bởi khách Việt đa phần có xu hướng đặt phòng vào giờ chót.

Riêng tại Quảng Ninh, trong khi phòng khách sạn kín khoảng 20-30% tùy phân khúc thì công suất du thuyền đạt khoảng 80%, cho thấy nhu cầu nghỉ dưỡng biển dịp Tết Nguyên đán vẫn cao.

Trong khi đó, các khách sạn tại khu vực miền Trung trở vào như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết… vẫn còn nhiều phòng trống. Không ít đơn vị tại Đà Nẵng, Quy Nhơn… phải chạy chương trình khuyến mãi lớn cho khách đặt sớm, bỏ phụ thu… để kích cầu nhưng lượng yêu cầu đặt phòng vẫn chưa cao.

Đại diện Mustgo cho hay, công suất phòng khách sạn tại Phú Quốc đạt trung bình 80% tại các khách sạn phân khúc 3, 4 sao. Tương tự dịp Tết Dương lịch, Quý I/2024, đảo ngọc liên tục đón các chuyến bay charter chở khách quốc tế, do đó tỉ lệ phòng kín tăng cao.

Hấp dẫn khách bằng sản phẩm

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours - cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam có thời gian lưu trú và chi tiêu hạn chế hơn so với trước dịch, xu hướng chọn du lịch tự túc ngày càng nhiều. Trong khi các cơ sở cung ứng dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, tốc độ hồi phục tốt nhưng chất lượng chưa ổn định.

Do đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị những sản phẩm mới, linh hoạt, liên tục đưa ra yếu tố mới lạ, khác biệt, hấp dẫn riêng cho từng hành trình. Bên cạnh đó là khai thác đa dạng thị trường, mở rộng thị trường và xác định thị trường ngách.

Không chỉ thị trường inbound, thị trường du lịch nội địa và outbound cũng sẽ có những khó khăn nhất định trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, ông Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Giám đốc Vitamin Tours - đánh giá, chi tiêu cho du lịch chắc chắn sẽ bị thắt chặt hơn trong năm 2024.

Linh hoạt ứng phó với những biến động và xu hướng thị trường, doanh nghiệp này đưa ra những gói sản phẩm giá rẻ dưới 5 triệu hoặc dưới 10 triệu để kích cầu du lịch. Một điểm đến nổi bật thu hút khách Việt trong mùa du lịch Tết Âm lịch là Trung Quốc, khi các tour gần như kín chỗ.

“Điều đó cho thấy nhu cầu du lịch của khách miền Bắc vẫn rất đông. Với mùa lễ hội, chúng tôi không đánh mạnh vào tour trong ngày mà đánh vào tour 2 ngày 1 đêm nên sẽ xây dựng gói 2 ngày 1 đêm nhưng giá phù hợp nhưng chất lượng cao, vẫn sử dụng dịch vụ 4, 5 sao” - ông Hiếu nói.

Với chiến lược dài hơi hơn cho mùa hè và cả năm 2024, công ty đặt chỗ rất nhiều đường bay quốc tế của Trung Quốc như chặng đến Cửu Trại Câu, Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu… hay Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai, Singapore, Malaysia. Đây dự đoán là những thị trường vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách Việt.

“Đặc biệt, với tình hình kinh tế khó khăn, giá trị dịch vụ của các tour trong nước rất cao nên chúng tôi dự đoán 2024 vẫn là bùng nổ của du lịch quốc tế”, đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1 năm 2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, theo Tổng cục Thống kê. Lượng khách tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng trưởng này cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3.2022, tương đương với lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1.2019 thời điểm trước dịch. Lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 1,29 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2019; lượng khách đến bằng đường biển đạt 48.300 lượt, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019. Trong khi lượng khách bằng đường bộ chỉ đạt mức 60% so với cùng kỳ 2019. Điều này cho thấy hoạt động kết nối bằng đường hàng không, đường biển đã phục hồi mạnh mẽ.

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong tháng 1 với 418.000 lượt - chiếm 27,6%. Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 242.000 lượt, Đài Loan (Trung Quốc) xếp thứ 3 với 84.000 lượt, Mỹ thứ 4 với 76.000 lượt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn