MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bá Dương

Tăng cường liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu cấp thiết

TRUNG DU LDO | 30/03/2023 12:40
Vùng Đồng bằng sông Hồng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Sáng 30.3, tại tỉnh Thái Bình, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng và đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các chuyên gia, nhà khoa học.

Tính liên kết trong vùng còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước và chiếm 29,4% GDP cả nước; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước; cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tương đối nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển theo hướng hiện đại. 

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Bá Dương

"Bên cạnh những mặt thuận lợi, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng tính liên kết trong vùng nhìn chung vẫn còn có những hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư.

Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh và chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có" - ông Hải nhìn nhận.

Các đại biểu dự buổi hội thảo. Ảnh: Bá Dương

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, thực tiễn cho thấy sự cần thiết của việc tập trung thu hút đầu tư phát triển mạng lưới logistics, chợ đầu mối, các trung tâm trung chuyển và kho vận hiện đại, thông minh gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để phát huy tối đa lợi thế vùng.

Đồng thời, cần có các giải pháp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm quy mô lớn; tận dụng tối đa các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi xuất khẩu xanh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bá Dương

Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược

Cùng quan điểm với đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá: Vùng Đồng bằng sông Hồng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Thu ngân sách Nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất. Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. Phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hiện nay, các chủ trương, chính sách định hướng phát triển vùng đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, đã đặt ra những yêu cầu bức thiết về liên kết phát triển vùng là một xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày tham luận, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm cùng nhau tập trung nhận diện thách thức, thời cơ phát triển vùng đồng bằng sông Hồng; đồng thời đóng góp những giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông) phục vụ phát triển thương mại cùng những giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại dịch vụ phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích, làm rõ thực tiễn liên kết vùng và ngoại vùng, các đại biểu cũng cùng tham gia trao đổi, đi sâu phân tích để tập trung tăng cường liên kết để có chiến lược phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại và dịch vụ trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương; liên kết vùng cần làm gì để hướng tới xuất khẩu xanh, phù hợp với định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững cũng như đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn