MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trước những khó khăn về tài chính của EVN, doanh nghiệp này đã đề xuất Chính phủ phương án tăng giá điện để bù đắp các chi phí. Ảnh: Cường Ngô

Tăng giá điện bao nhiêu là phù hợp?

Anh Tuấn LDO | 01/05/2023 08:22

Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kĩ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Đáng chú ý, việc tăng giá điện không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kì của Chính phủ tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương được giao hoàn thiện phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trình Chính phủ. Phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được lưu ý phù hợp với khung giá bán lẻ điện bình quân mới, đánh giá kĩ tác động để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Việc điều chỉnh này sẽ là cơ sở để tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất. Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận số lỗ kỉ lục gần 36.300 tỉ đồng năm 2022 từ sản xuất điện, nếu trừ thu nhập tài chính khác, số lỗ giảm còn 26.236 tỉ đồng.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện được cho là cần thiết để ngành điện tránh lỗ, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, để tránh gây "sốc" cho người dân và các đơn vị sử dụng nhiều điện, các chuyên gia cho rằng, cần chia thành nhiều đợt khác nhau.

Trao đổi với Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho biết, trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 79,17 tỉ USD, giảm 11,9% so với cùng kì năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ… đều giảm mạnh.

Do vậy, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế phục hồi tăng trưởng, tránh tác động tiêu cực đến lạm phát - cần tăng giá điện ở mức độ hợp lí, từ 3-5% và tăng theo lộ trình.

"Điện là mặt hàng rất cần thiết cho sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, đến mọi gia đình, nên việc tăng giá điện bao nhiêu cần được cân nhắc kĩ lưỡng, nhất là thời điểm tình hình kinh tế đang phải đối phó với nhiều "cơn gió ngược" như hiện nay.

Để thực hiện tăng giá điện, EVN cần khẩn trương rà soát toàn bộ các yếu tố đầu vào, cơ cấu chi phí, xác định rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của tình trạng tài chính hiện nay, thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, cải thiện tình hình tài chính, bao gồm việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đàm phán với các nhà đầu tư, nhà cung cấp, hộ bán điện theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", vị này cho hay.

TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng, theo tính toán, giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho lạm phát tăng thêm 0,4 - 0,5%. Do vậy, cần phải tính toán kĩ lưỡng để tác động ngược của việc điều chỉnh giá điện, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho người lao động, doanh nghiệp chịu tác động mạnh của điều chỉnh lần này.

"Tăng giá điện cần có lộ trình phù hợp, tăng từng bước, từng thời gian cụ thể đảm bảo sức chịu đựng của nền kinh tế, đồng thời giữ an toàn tài chính cho ngành điện", ông nói và cho biết, ngoài giải pháp tăng giá điện, cần gỡ nút thắt mua điện từ các nguồn điện sạch đang chờ đàm phán giá, không để xảy ra tình trạng hàng nghìn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu".

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cần tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Việc tăng giá điện thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ là không giật cục, có lộ trình, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn