MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng giá điện, người dân mong lộ trình đừng gây sốc

Cường Ngô LDO | 04/04/2023 11:59

Trước những khó khăn về tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong giai đoạn 2022-2023 khi dự kiến lỗ luỹ kế lên tới 93.000 tỉ đồng, EVN đã đề xuất Chính phủ phương án tăng giá điện để bù đắp các chi phí và các hợp đồng tín dụng tránh bị liệt vào diện nợ xấu. 

Người dân mong đừng tăng "sốc"

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù giá xăng dầu đã “chặn” được đà tăng mạnh, nhưng các nguyên vật liệu sản xuất khác như bao bì, vỏ sản phẩm đã tăng trên 20%. Doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán sản phẩm, nhưng mức tăng chưa tới 8% nhằm giữ chân khách hàng.

Không dám tăng giá quá cao, doanh nghiệp của ông Minh phải cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất, hạ lợi nhuận để giảm thấp nhất việc phải nâng giá bán. Song, vị giám đốc lo rằng, trong bối cảnh vật giá đều tăng, nếu giá điện tăng cao quá sẽ quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

"Tôi biết ngành điện đang đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do giá nhiên liệu tăng đột biến. Việc tăng giá điện cũng là cấp bách lúc này, nhưng tăng thế nào để tránh "sốc" cho người dân và doanh nghiệp thì cần được cân nhắc kỹ lưỡng", ông Minh cho hay.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng - chủ hàng ăn tại Tây Mỗ, chia sẻ, mỗi tháng gia đình anh chi phí khoảng 15 triệu đồng cho tiền điện nên mức tăng giá sẽ ảnh hưởng, dù không nhiều.

"Chúng tôi là người dân, nên cần nhất là sự minh bạch, rõ ràng khi các cơ quan công bố giá điện, chi phí sản xuất. Người dân biết, dân tin thì sẽ hoàn toàn ủng hộ thôi", anh Hùng nói.

Bao giờ tăng giá điện

Tại buổi họp báo về công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN ngày 31.3, Bộ Công Thương đã xác nhận EVN đang lỗ tới trên 26.235 tỉ đồng. Chưa kể, khoản chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ vào giá thành điện lên tới 14.726 tỉ đồng.

Lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN đều xác nhận đã có đề xuất các cấp có thẩm quyền về việc điều chỉnh giá điện. Tuy nhiên, do giá điện tác động lớn đến đời sống người dân và kinh tế vĩ mô nên các phương án điều chỉnh giá sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

Chuyên gia nhận định, giá điện bán lẻ bình quân 2023 có thể được tăng trong quý II khi các kết quả kiểm toán được làm rõ. Ảnh: Cường Ngô 

Theo tính toán của một chuyên gia năng lượng, phương án giá bán điện năm 2023 sẽ là 2.162 đồng/kWh (tăng 15,9%) đến 2.243 đồng/kWh (tăng 20,3%) - nếu tính đủ tỉ suất lợi nhuận là 3% và các khoản chênh lệch tỉ giá của các đơn vị phát điện năm 2019-2022. Nếu được phép tính cả khoản lỗ năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân là 2.357 đồng/kWh (tăng 26.2%) so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. 

Chuyên gia này cho rằng, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào, gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN. 

"Năm 2023 là năm thứ 4 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng, trong khi chi phí mua điện tăng cao do giá nhiên liệu cho phát điện tăng rất cao và EVN phải huy động tăng các nguồn điện đắt tiền để đảm bảo nhu cầu phụ tải.

Khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện. Và do đó, ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Theo tính toán của EVN, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh, thì dự kiến tháng 6.2023, EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỉ đồng và đến tháng 12.2023 sẽ thiếu hụt 27.779 tỉ đồng. 

Để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính đề xuất có thể chia lộ trình tăng giá điện làm 2 đợt. 

Đợt 1 vào tháng 4.2023; đợt 2 vào tháng 10.2023. Để làm được điều này, ngay trong tháng 2.2023, EVN phải hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định số 24 của Thủ tướng và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tính toán, đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân phù hợp. 

Việc điều chỉnh càng để chậm thì mức độ điều chỉnh sẽ càng lớn do lỗ lũy kế sẽ càng tăng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn