MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần chế tài mạnh mẽ cho hành vi chậm nộp báo cáo tài chính. Ảnh minh hoạ: LD

Tăng giám sát và có chế tài mạnh với việc chậm nộp báo cáo tài chính

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 13/09/2022 10:43

Nhiều doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) hoặc chưa công bố BCTC kiểm toán theo quy định vừa bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Thực trạng rõ ràng đặt ra yêu cầu cần tăng cường sự giám sát và có chế tài mạnh mẽ hơn đối với việc công khai BCTC của doanh nghiệp. 

Hàng loạt doanh nghiệp chậm nộp BCTC

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HOSE) đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) về việc chậm công bố BCTC soát xét bán niên và khả năng cổ phiếu ITA rơi vào diện kiểm soát.

Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, HOSE đã có công văn nhắc nhở 12 doanh nghiệp niêm yết chậm nộp BCTC soát xét bán niên năm 2022. Các doanh nghiệp bị HOSE điểm tên bao gồm: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD), CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG), CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC), CTCP Nông dược H.A.I (mã HAI), CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX), CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA), CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (mã LGL), CTCP Long Hậu (mã LHG), CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS) và CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (mã SJF).

HOSE cho hay, về thời hạn công bố BCTC bán niên: Tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố BCTC bán niên đã được soát xét trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo soát xét nhưng không được vượt quá 45 ngày, kể từ ngày kết thúc 06 tháng đầu năm tài chính.

Trường hợp tổ chức niêm yết cổ phiếu, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có đơn vị kế toán trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng phải công bố BCTC bán niên đã được soát xét trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tố chức kiếm toán ký báo cáo soát xét nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày kết thúc 6 tháng đầu năm tài chính. 

Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp báo cáo, HOSE vẫn chưa nhận được BCTC soát xét bán niên năm 2022 của 12 công ty trên. 

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm; chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.

Theo đó, Bộ Tài chính nhận được phản ánh một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa công bố đầy đủ nội dung BCTC đã được kiểm toán. Cơ quan chức năng yêu cầu các doanh nghiệp cần rà soát và thực hiện công bố công khai BCTC theo quy định pháp luật.

Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra của "bệnh" chậm nộp BCTC, đó có thể do bộ phận kế toán của doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp hay mức xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ tính răn đe. 

Cần chế tài mạnh mẽ hơn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định, hành vi nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. 

Mức xử phạt có thể từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi không nộp BCTC cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không công khai theo quy định. Chuyên gia pháp lý cho biết quan điểm rằng, mức xử phạt trên trong một số trường hợp là chưa đủ sức răn đe và có thể khiến doanh nghiệp "nhờn luật". 

Một chuyên gia kinh tế nói với PV về hậu quả của "căn bệnh" chậm nộp BCTC rằng, điều này sẽ dẫn đến việc mù mờ thông tin, khiến cho nhà đầu tư không thể ra quyết định, hoặc quyết định thiếu chính xác hoạt động đầu tư, mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp.

"Ngoài ra nó có thể tạo điều kiện cho những giao dịch nội gián, dựa trên thông tin quan trọng, không được công khai về công ty. Thực trạng này nguy hiểm bởi sẽ dẫn đến những hoạt động đầu tư thiếu bền vững, chủ yếu mang tính lướt sóng" - chuyên gia kinh tế này cho hay. Đó là chưa kể đến câu chuyện "xào nấu" thông tin trên BCTC. 

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, một số doanh nghiệp cố tình “lập báo cáo đẹp” để thực hiện các đợt phát hành thêm các cổ phiếu từ doanh nghiệp và thu được lợi ích cao hơn từ các đợt bán cổ phần, cổ phiếu. Việc làm này là vi phạm pháp luật và sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chức năng có các biện pháp xử phạt. Thậm chí có thể cấm doanh nghiệp này hoạt động giao dịch trên thị trường tài chính, chứng khoán.

Ngoài ra là do yếu tố chủ quan bởi những người lập báo cáo không làm tròn những trách nhiệm của người làm BCTC, trong quá trình hoạt động vấn đề hoạch toán doanh nghiệp chưa đầy đủ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn