MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việt Nam có cơ hội thu hút đầu tư của những nguồn vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Tăng nội lực để hút những dự án đầu tư chất lượng cao

Phong Nguyễn LDO | 02/07/2020 09:00
Cạnh tranh thương mại và đặc biệt là sau tác động của dịch COVID-19 khiến bức tranh thu hút đầu tư đang được “vẽ lại”, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có sự dịch chuyển mà điểm đến là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Cơ hội của Việt Nam rất lớn, tuy nhiên, Việt Nam cũng phải quyết liệt cạnh tranh để mang về những dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, có hàm lượng công nghệ lớn. 

COVID-19 “giọt nước tràn ly” 

Do tác động của dịch COVID-19, Công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam. Điều này cho thấy, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến toàn cầu nhưng Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn, điều này càng rõ nét hơn khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn. 

Diễn đàn thương mại của Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) đánh giá sơ bộ về tác động của dịch COVID-19 đến đầu tư nước ngoài (FDI) và các chuỗi giá trị toàn cầu nhận định: COIVID-19 sẽ làm giảm 30%-40% FDI toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021, trong đó các ngành năng lượng, hàng không, sản xuất ôtô và nguyên vật liệu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nguy cơ các doanh nghiệp trong nước bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm là rất lớn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có cơ hội đón làm sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu (EU), Hàn Quốc, Nhật Bản… Trong đó, các công ty đa quốc gia như Samsung, LG và rất nhiều nhà sản xuất Nhật Bản đã đang chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, hoặc đã thành lập các cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam mà không phải ở Trung Quốc. Các công ty như Foxconn và các nhà cung cấp khác của Apple cũng cho biết, họ đã có ý định thiết lập sản xuất cơ sở tại Việt Nam từ nhiều năm qua.

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương cho rằng, từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu khơi ngòi và diễn biến ngày càng phức tạp, thì cuộc “thoái lui” đầu tư nước ngoài tại Trung Hoa Đại lục đã bắt đầu. Dịch bệnh COVID-19 như “giọt nước tràn ly”, là nhân tố thêm vào để thúc đẩy cuộc dịch chuyển này diễn ra nhanh chóng và quyết liệt hơn. 

Cạnh tranh để “hút” dự án đầu tư FDI công nghệ hiện đại

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), TPHCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư FDI, Hà Nội đứng thứ hai, Bắc Ninh đứng thứ ba...Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam mang về nhiều dự án đầu tư “nhiều tỉ đô”.

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) - ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh: Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, điều này cho thấy chính sách và môi trường đầu tư hấp dẫn của Việt Nam. Đặc biệt, khả năng chống dịch COVID-19 hiệu quả là điểm cộng để Việt  Nam trong việc thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn thế giới phải sống chung với đại dịch hiện nay.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Đức Độ -  Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết: Khi các nước dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc, thì các nước xung quanh, bao gồm cả Việt Nam, đều có cơ hội. Để nắm bắt cơ hội này, các yếu tố quan trọng cần có là môi trường kinh doanh thông thoáng và lực lượng lao động có tay nghề cao với chi phí hợp lý. Việt Nam cũng có lợi thế là đã ký hiệp định thương mại với nhiều nước và có thị trường xuất khẩu đa dạng.

“Đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là các nước ASEAN và một số nước Châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... Bởi vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam ít nhất cũng phải thông thoáng như các nước này” - TS Nguyễn Đức Độ nói.

Theo  GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài) (VAFIE), trong kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2020, không có những dự án đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI. “Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt không những với những nước đang phát triển trong khu vực cho đến những nước khác có mức độ phát triển tương đối cao hơn như Brazil, Thái Lan, Ấn Độ...” - ông Trần Sĩ Chương nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn