MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nuôi cá lồng bè kết hợp làm du lịch ở TP Phú Quốc. Ảnh: Nguyên Anh

Tăng nuôi trồng, tái tạo nguồn lợi thủy sản để gỡ thẻ vàng

NGUYÊN ANH LDO | 22/12/2023 08:27

Nguồn lợi thủy sản cạn kiệt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm khai thác IUU, Kiên Giang đang nỗ lực các giải pháp gỡ cảnh báo thẻ vàng trong đó chú trọng tăng nuôi trồng, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngư trường cạn kiệt

Kiên Giang sở hữu ngư trường lớn trên 63.000km2, hơn 9.500 tàu cá (được xem là lớn nhất cả nước) nhưng tình trạng khai thác quá mức với cường độ công suất lớn đã dẫn đến cạn kiệt ngư trường. Giá nguyên nhiên liệu tăng, mỗi chuyến biển hao tốn rất nhiều chi phí nhưng đánh bắt không đủ sản lượng và nhiều nguyên nhân khác làm áp lực kinh tế đến chủ tàu, khiến họ khai thác trái phép sang vùng biển nước ngoài.

Ông Quảng Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết: Tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Không chỉ kiểm tra xử phạt, ngành chức năng còn đề ra giải pháp giúp người dân gỡ khó kinh tế và góp phần gỡ thẻ vàng. Tỉnh chủ trương thực hiện chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc sang lĩnh vực khác để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu để 100% ngư dân chuyển đổi có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, đợt thanh tra thực tế lần thứ 4 của đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 10.2023 vừa qua đã cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hiện tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quyết tâm gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC tại đợt thanh tra thứ 5 (dự kiến vào cuối quý II/2024).

Chuyển đổi nghề, tái tạo nguồn lợi

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024-2025, tỉnh sẽ chuyển đổi khoảng 100 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ sang nghề nuôi trồng thủy sản; dịch vụ nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá... Tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề mới.
Tỉnh cũng xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề như ưu tiên giao mặt nước biển để làm các nghề nuôi biển, tham gia đồng quản lý nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chủ tàu giao lại tàu cá cũ, tái tạo nguồn lợi thủy sản từ rạn san hô nhân tạo để bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản; tổ chức đào tạo nghề gắn với ngành, nghề truyền thống, gắn với sản xuất để ổn định đời sống ngư dân ven biển, đảo.

Hiện nay, 1 số địa bàn ở TP Phú Quốc, huyện đảo Kiên Hải, TP Hà Tiên, huyện Kiên Lương bà con ngư dân đã chuyển đổi sang nuôi trồng bằng lồng bè mới với kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó còn kết hợp cho du khách đến tham quan nhà bè, vừa tăng thu nhập vừa tạo hiệu quả lâu dài mở ra nuôi trồng kết hợp làm du lịch.

Ông Nguyễn Thành Cường - người nuôi cá lồng bè ở TP Phú Quốc - chia sẻ: Trước đây ông cũng như nhiều bà con khác chỉ đánh bắt, nhưng về lâu dài, nguồn hải sản cũng cạn kiệt nên nghĩ đến chuyện nuôi trồng kết hợp với đánh bắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn