MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đinh Thanh Quỳnh (Hưng Hà-Thái Bình) thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Sở NNPTNT Thái Bình

Tăng thu nhập 5 lần nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bạc màu

Vũ Long LDO | 22/05/2021 17:48

Thu nhập của nông dân tăng gấp 3-5 lần khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả của các tỉnh Thái Bình, Hải Dương.

Thái Bình: Trái ngọt từ những người tiên phong chuyển đổi

Với 9 sào trồng 60 gốc hồng xiêm, hè này bước sang năm thứ 3 cây cho trái, tính bình quân mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Giang (xã Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình) thu lãi "ròng" trên 100 triệu đồng. “Tính ra, thu lãi từ trồng hồng xiêm cao gấp 3 lần trồng lúa, chăm sóc hồng xiêm lại dễ hơn vì ít sâu bệnh, ít phụ thuộc vào thời tiết hơn” – ông Nguyễn Văn Giang cho biết.

Gia đình ông Giang là một trong nhiều hộ đang có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả trên đất nông nghiệp, đặc biệt là quả hồng xiêm trồng trên đất Đông Hưng (Thái Bình) rất hợp thổ nhưỡng, cho trái to, mọng, vị ngọt đậm được thị trường ưa chuộng.

“Cây bắt đầu đậu quả là thương lái đã đến thăm và đặt mua cả vườn. Tính ra, bán buôn như vậy mức lãi không cao bằng tự đưa hàng ra chợ bán, nhưng ổn định và không bị “nát” tiền, có thể đầu tư hoặc tích lũy ra tấm ra món, nên nhiều người chọn bán sản phẩm theo hình thức này” – ông Nguyễn Văn Mậu (xã Thụy Duyên, Thái Thụy, Thái Bình), cho hay.

Không chỉ hồng xiêm, nhiều gia đình còn chọn các loại cây ăn quả cho giá trị cao như thanh long, vú sữa, cam Vinh, ổi Đài Loan, mít Thái Lan… cho thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang giúp người nông dân có thu nhập cao hơn, đời sống nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ, tạo niềm tin để nông dân học tập lẫn nhau, hình thành những mô hình trang trại tập trung, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, những "lão nông" mạnh dạn đi đầu trong phong trào chuyển đổi đang ổn định thu nhập và bắt đầu cho mức lãi ròng cao hàng năm.

Ông Trần Văn Thưởng (xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình) đã cải tạo và biến 5,5ha đất thành trang trại Surfam theo tiêu chuẩn VietGaP, trồng hàng nghìn cây ăn quả, cho lợi nhuận khoảng 1,5 tỉ đồng/năm. Surfam trở thành trang trại điển hình của mô hình chuyển đổi sản xuất, nhiều nông dân các tỉnh lân cận tìm đến học hỏi.

Nông dân Hải Dương biến đất bạc màu thành đất "đẻ tiền"

Tại Hải Dương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đang diễn ra mạnh mẽ trên đất lúa bạc màu. Chỉ với những loại cây trồng bình dị như chuối, bưởi, ổi, củ ấu, dưa hấu, mùi tàu… thay thế trên đất lúa, hiệu quả kinh tế đã tăng gấp 4-5 lần.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây chuối tại các xã Tân Quang, Quang Khải, huyện Tứ Kỳ từ những diện tích lúa trũng kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả lớn.

Huyện Thanh Hà có gần 200ha chuyên trồng bưởi đào có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh cao, năng suất ổn định, độ đồng đều quả cao, dễ tiêu thụ, cho tổng thu 500-800 triệu đồng/ha.

Tại huyện Ninh Giang, thay đổi từ trồng lúa sang trồng ổi cũng đã cho người dân tăng thu nhập lên 9-10 lần. Đến nay, địa phương này có trên 100ha trồng ổi, xây dựng được vùng ổi VietGAP rộng 40ha…

Trong nhiều năm gần đây, huyện Kinh Môn cũng có hơn 310ha trồng sắn dây tập trung ở các xã Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Thăng Long, Long Xuyên, Duy Tân... Bột sắn dây Kinh Môn đã đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp năm 2018 và là sản phẩm tiêu biểu của huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn