MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng thuế VAT đối với dịch vụ xe công nghệ, người tiêu dùng gánh chịu. Ảnh: Thế Lâm.

Tăng thuế VAT xe công nghệ, ai được và ai thiệt nhiều nhất?

Thế Lâm LDO | 10/12/2020 08:54
Sau khi mức thuế VAT tăng lên 10% đối với dịch vụ xe công nghệ, giới tài xế “kêu” rằng họ bị thất thu nhiều hơn. Để bù lại, Grab ngay lập tức tăng cước phí.

Nhà nước tăng thu được bao nhiêu?

Các ứng dụng đặt xe khác cũng đã bắn đi tín hiệu sẽ tăng cước phí trong thời gian tới vì tác động của mức thuế VAT tăng lên 10%.

Nếu việc tăng cước phí của các ứng dụng đặt xe lần lượt được triển khai, một mặt bằng giá cước mới của loại hình vận chuyển này sẽ được hình thành.

Với mức thuế VAT tăng từ 3% lên 10%, nhà nước tăng mức thu thêm khoảng hơn 2 lần so với trước đó.

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á được Google công bố gần đây, mảng vận tải và thực phẩm trong nền kinh tế số tại Việt Nam năm 2020 tăng trưởng đến 50%, đạt giá trị khoảng 1,6 tỉ USD. Đến năm 2025, mảng này sẽ đạt giá trị trên thị trường lên mức 7 tỉ USD, gấp hơn 4 lần so với năm 2020.

Như vậy, với việc tăng mức thuế VAT từ 3% lên 10%, nguồn thu thuế VAT của nhà nước đối với mảng kinh doanh dịch vụ ứng dụng đặt xe sẽ tăng mạnh không chỉ nhờ vào việc tăng thuế suất mà còn nhờ nhiều vào sự tăng trưởng của thị trường.

Người tiêu dùng gánh chịu

Như đề cập ở trên, Grab là ứng dụng đặt xe đầu tiên ngay lập tức tăng cước phí đối với dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc từ 5-6% nhằm bù lại cho khoản thu phải đóng cho mức thuế VAT tăng lên từ ngày 5.12.

Về nguyên tắc, khi giá cước tăng sẽ dẫn đến doanh thu cuốc xe mà Grab thu về cũng tăng theo. Từ doanh thu cuốc xe, Grab sẽ khấu trừ thuế VAT sau đó chia sẻ nguồn thu còn lại với đối tác tài xế theo tỉ lệ 20-80% hoặc 25-75%. Từ nguồn thu chia sẻ này Grab và tài xế lại phải đóng thêm một khoản thuế nữa là thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân cho nhà nước.

Như vậy từ khoản tăng cước 5-6% của Grab và sắp tới các ứng dụng khác có thể cũng sẽ triển khai, các bên được hưởng lợi là nhà nước, Grab và tài xế.

Chỉ có một bên phải gánh chịu tất cả, đó là người tiêu dùng, phải chịu thêm khoản tăng giá cước từ 5-6%.

Tuy nhiên ngoài khoản cước bị tăng, người tiêu dùng sử dụng dịch vụ Grab cũng như các ứng dụng khác lâu nay còn phải trả thêm một khoản phí gọi là phí sử dụng ứng dụng theo từng cuốc xe, với mức 1.000 đồng, 2.000 đồng…

Bên cạnh người tiêu dùng, phía Grab và một số ứng dụng khác cũng thu loại phí này từ đối tác tài xế, gọi là phí sử dụng ứng dụng, thường được gọi nôm na là chiết khấu, từ mức 20-25%.

Như vậy, các ứng dụng đang tiến hành thu phí sử dụng ứng dụng đến 2 lần trên mỗi cuốc xe, từ phía đối tác tài xế và người tiêu dùng. Tuy nhiên, với tài xế còn được chia sẻ lại một phần từ khoản tăng cước (nếu có, như Grab đã thực hiện), còn người tiêu dùng thì chỉ có trả thêm chứ chưa được hưởng thêm gì từ các dịch vụ được cung cấp.

Không ít người tiêu dùng đã bắt đầu rục rịch so sánh giá cước GrabBike với xe ôm truyền thống hướng tới việc chuyển đổi sử dụng nhằm tìm phương án chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn