MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Tài chính đề xuất tăng phí xăng kịch khung để bảo vệ môi trường. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tăng thuế xăng để bảo vệ môi trường: Phải làm rõ nguồn thu thuế chi vào những việc gì?

MINH BẰNG LDO | 17/05/2018 10:30
Từ 1.7 tới, thuế xăng sẽ tăng kịch khung, tức 4.000 đồng/lít. Đây là nội dung quan trọng nhất trong Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký, vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngân sách thêm gần 15.000 tỉ đồng

Không chỉ có xăng tăng từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít mà các mặt hàng dầu cũng tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng lít. Các mặt hàng khác như than đá, dung dịch HCFC, túi nylon, cũng được Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm từ 1.000 đồng đến 10.000 đồng mỗi kilogram, tùy loại.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng như vậy, sau thời điểm 1.7 thì ngân sách thu tăng thêm khoảng 14.368 tỉ, lên mức 55.000 tỉ đồng/năm. Cùng với các khoản thuế tăng thêm từ các mặt hàng khác, tổng số thuế bảo vệ môi trường dự kiến thu sẽ vào khoảng 57.612 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.189 tỉ đồng/năm.

Cũng theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2012-2017, trung bình mỗi năm tiền thu từ thuế môi trường đạt 25.000 tỉ đồng.

Trả lời báo chí, đại diện Bộ Tài chính nêu lý do là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và một số nước trong khối ASEAN và Châu Á. Giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia và thấp hơn 120 nước.

Chưa thuyết phục

Anh Minh Quang (35 tuổi, ở Hà Nội) cho rằng: “Tôi thấy cách giải thích của Bộ Tài chính là chưa thuyết phục. Đặc biệt là lấy chuyện giá xăng ở Việt Nam đang thấp để đánh thuế và đẩy giá lên cao. Nên nhớ thu nhập của người Việt đang rất thấp, sao không làm căn cứ đánh giá”.

Theo các chuyên gia, hiện nay mỗi lít xăng dầu đang chịu nhiều khoản thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí định mức, phí lợi nhuận và thuế bảo vệ môi trường. Việc nâng kịch khung thuế xăng dầu chắc chắn sẽ đẩy giá xăng lên cao hơn và người tiêu dùng chính là đối tượng phải gánh thuế là chính. Trong khi người dân cũng chưa nhận thấy tác dụng thực tế của việc tăng thuế môi trường có làm giảm ô nhiễm môi trường hay không.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích rằng nghịch lý là dù đề nghị tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được các nghiên cứu cụ thể rằng việc tăng các khoản thuế sẽ bổ sung cho ngân sách được bao nhiêu; nó ảnh hưởng đến người dân, từng nhóm người dân như thế nào, lợi và hại của việc tăng thuế ra sao. Đặc biệt thu thuế BVMT để dùng khoản thuế này đầu tư ngược lại cho các dự án BVMT nhưng theo ông Hiếu, xung quanh sắc thuế này còn nhiều bất cập.

Ở góc độ người dân, anh Trung Tiến chia sẻ: “Mình sẽ không do dự ủng hộ Bộ Tài chính tăng vượt khung thuế bảo vệ môi trường. Nếu như kèm với quyết định đó là kế hoạch chi tiết về việc sử dụng tiền thuế môi trường để bảo vệ và tái tạo môi trường”. Trao đổi với Lao Động, anh Tiến phân tích thêm: “Tôi đọc báo thấy Bộ Tài chính thông tin số thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2017. Từ 11.000 tỉ năm 2012 đến 2017 là hơn 40.000 tỉ đồng nhưng tôi lại thấy môi trường sống quanh tôi không có gì thay đổi, thậm chí tình trạng rác rưởi, ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Vậy thì tiền thuế dùng vào việc gì?”.

Một báo cáo năm 2016 cho thấy tổng thu đến 42.393 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường trong khi mới chỉ chi cho cùng mục đích có 12.290 tỉ đồng, tức mới chỉ chi 28,9%. Như vậy thuế đang thừa, sao lại tăng và rõ ràng việc dùng khoản thuế này đầu tư ngược lại cho các dự án bảo vệ môi trường như cách đặt vấn đề của chuyên gia Trần Trí Hiếu rõ ràng là chưa tương xứng?

Minh bạch được không?

Các sắc thuế bảo vệ môi trường hiện nay chỉ quy định việc thu thuế mà không hề có bất cứ điều khoản nào quy định thuế BVMT sẽ được quản lý và sử dụng như thế nào. Các chuyên gia môi trường nhận định đây là một thiếu sót rất lớn, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và doanh nghiệp về sự minh bạch trong thu-chi thuế bảo vệ môi trường thời gian qua.

Còn theo Bộ Tài chính thì theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường đều tập trung vào ngân sách nhà nước và được phân bổ chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo dự toán Quốc hội quyết định hằng năm, trong đó có thực hiện nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.

Về vấn đề này, trả lời báo chí, PGS-TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Trước khi tăng thuế BVMT Bộ Tài chính phải lý giải thuyết phục người dân về lý do tăng thuế, nếu minh bạch tôi nghĩ người dân còn ủng hộ vì đồng tiền của họ đã được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa. Còn không thì có thu thêm dù chỉ một đồng, dân vẫn bất mãn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn