MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công để tăng trưởng hiệu quả. Ảnh: MPI

Tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 2021 để tăng trưởng hiệu quả

Vũ Long LDO | 23/09/2021 16:30

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 sẽ tác động cộng hưởng đến kết quả tăng trưởng cả năm 2021 và năm 2022.

Tốc độ giải ngân chậm lại do COVID-19

Mặc dù là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng dự kiến tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh Bình Dương đạt trên 9.680 tỉ đồng, đạt 78,3% kế hoạch của tỉnh và đạt 94,5% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương dự kiến đạt 100% kế hoạch được giao.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 8 tháng năm 2021, tỉnh đã thu hút được trên 1,507 tỉ USD, tăng 27% so với cùng kỳ, trong đó, có 44 dự án đầu tư mới, 22 dự án điều chỉnh tăng vốn và 79 dự án góp vốn. Đến nay, toàn tỉnh có 3.987 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn 36,8 tỉ USD.

TPHCM cũng là địa phương đang bùng phát dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM đã quyết liệt tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm của thành phố, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục - y tế, tạo hiệu ứng lan tỏa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội phục hồi kinh tế cho Thành phố cũng như cả nước.  

“Đến 10.9.2021, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 31% tổng kế hoạch đã giao. So với yêu cầu của Chính phủ, của lãnh đạo thành phố thì kết quả giải ngân vẫn chưa đạt yêu cầu so với kỳ vọng của thành phố về mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là mục tiêu tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30.9.2021 đạt tỉ lệ từ 60% tổng kế hoạch vốn giao, chưa trở thành nhân tố then chốt để vực dậy kinh tế thành phố trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn như hiện nay” - ông Võ Văn Hoan thẳng thắn nêu ý kiến.

Tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2021 đạt 95% kế hoạch nguồn vốn ngân sách địa phương, 92% kế hoạch nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu và  67% kế hoạch nguồn vốn đầu tư dự án quan trọng quốc gia (kể cả nguồn vốn các năm trước kéo dài sang năm 2021).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31.8.2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước là 210.780,5 tỉ đồng, bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch.

Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch COVID-19; giá nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ dự án và do nhiều dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua (cuối tháng 7.2021) mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2021.

Thúc đẩy đầu tư công 2022 để đạt tăng trưởng GDP 6-6,5%

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, tác động của dịch COVID-19 sâu, rộng và phức tạp khó lường, dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2021 sẽ không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, 2 năm liên tiếp 2020-2021 tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 của cả nước. Vì vậy, cần thống nhất những giải pháp hiệu quả, thúc đẩy nỗ lực phấn đấu hơn nữa của các địa phương trong thời gian tới để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, để xây dựng thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%.

Theo đó, các địa phương phải chủ động xây dựng đề án khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19. Căn cứ vào tình hình thực tế nguồn lực của nhà nước, số vốn năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao để xây dựng kế hoạch năm 2022 trên cơ sở phù hợp mức vốn dự kiến giai đoạn 2021-2025, phù hợp khả năng cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2022. Các địa phương cũng cần xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2022 phù hợp khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án.

Yêu cầu xây dựng Kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 phải gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá trên cơ sở phù hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn