MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 ở mức 6,5-7%. Ảnh minh họa: TL

Tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 ở mức 6,5-7% có quá cao?

Vũ Long LDO | 14/09/2022 15:39
Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP sau năm 2030 từ mức 6,5-7%.

Tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 từ 6,5% đến 7,5% 

Sáng 14.9.2022, nêu ý kiến tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là quy hoạch) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức, TS Cao Viết Sinh - nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT, chuyên gia phản biện báo cáo quy hoạch tổng thể quốc gia đồng tình với việc xác định các mục tổng quát; các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

TS Cao Viết Sinh khẳng định, phương án tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 đã đề ra ở mức từ 6,5% đến 7,5% là phù hợp.

TS Cao Viết Sinh khẳng định tăng trưởng GDP từ 6,5-7% giai đoạn 2031-2050 là phù hợp. Ảnh: PA 

Cũng theo TS Cao Viết Sinh, thực tế 30 năm qua (từ năm 1990-2020), ngưỡng thu nhập cao của thế giới tăng gấp 1,65 lần, từ 7.689 USD vào năm 1990 lên 12.536 USD vào năm 2020. Nếu vào năm 2050, ngưỡng thu nhập cao của thế giới tăng như giai đoạn 30 năm trước (tăng khoảng 1,7 lần), thì sẽ rơi vào khoảng 21.300 USD. Nếu kinh tế thế giới tăng nhanh, thì ngưỡng thu nhập cao sẽ vào khoảng 23.000 - 25.000 USD.

“Với phương án tăng trưởng trong giai 2031-2050 như trên, GDP bình quân đầu người của nước ta (27.000 - 32.000 USD) sẽ bước vào nhóm nước thu nhập cao vào năm 2045 như tầm nhìn Đại hội Đảng XIII đã đề ra. Nếu ngược lại, chọn mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 thấp hơn sẽ rất khó đạt được mục tiêu đề ra” - TS Cao Viết Sinh nhận định.

Nhiều yếu tố bất lợi, cảnh giác với bẫy thu nhập trung bình

Theo TS Cao Viết Sinh, tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế, khả năng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 vẫn còn là thách thức lớn. Do đó, cần lưu ý thêm các vấn đề bao trùm và bất định là “toàn cầu hóa bị đảo ngược”, tốc độ, cơ cấu thương mại cũng thay đổi theo, thay đổi cả địa chính trị của các nước lớn. Đặc biệt, trên thế giới, các nước đang có xu hướng tự chủ kinh tế, bảo hộ sản xuất trong nước, nâng cao năng suất lao động quốc gia…

Phân bố không gian phát triển 6 vùng

Theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, phân bố không gian phát triển theo mục tiêu cho 6 vùng cụ thể như sau: Vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm tỉ trọng 8,5% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8-9%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng, tương đương 5.300 USD. 

Vùng đồng bằng sông Hồng chiếm tỉ trọng 29,4% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7,5-8%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 350 triệu đồng, tương đương 13.400USD. 

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm tỉ trọng 14,3% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 160 triệu đồng, tương đương 6.000 USD.

Vùng Tây Nguyên chiếm tỉ trọng 3,6% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 7-7,5%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. 

Vùng Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng 32,1% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 8-8,5%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD. 

Vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm tỉ trọng 12% kinh tế cả nước, giai đoạn 2021-2030 tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7%, đến năm 2030 GRDP bình quân đầu người đạt 146 triệu đồng, tương đương 5.500 USD. 

TS Cao Viết Sinh đánh giá, việc phân bố như trên là khá hợp lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn