MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trà My

Tăng trưởng GDP Việt Nam dự báo sẽ đứng thứ 2 tại ASEAN

Trà My LDO | 17/04/2023 10:09

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 đạt 5,8%, đứng thứ hai khu vực cùng với Campuchia và chỉ xếp sau Philippines. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam

Đáng chú ý là nợ công năm nay của Việt Nam thấp nhất 9 nước ASEAN.

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức cao nhất Đông Nam Á với 6,9%. Nợ công của Việt Nam vào năm 2028 sẽ chỉ còn tương đương 31,3% GDP, giảm mạnh từ mức đỉnh 47,5% của năm 2016. Tỉ lệ nợ công nước ta vào năm 2028 sẽ là thấp nhất trong gần 2 thập kỉ.

Về lạm phát, IMF dự báo lạm phát năm 2023 và 2024 của Việt Nam lần lượt ở mức 5% và 3%

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục thông báo giảm lãi suất điều hành. "Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tận dụng thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời.

Các chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7% và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Ngân hàng Nhà nước có thể hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2023.

Chuyên gia phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023. Với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, với áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỉ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022, việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt.

"Ngoài ra, việc FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kì tăng lãi suất vào cuối quý II/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%" - KBSV dự báo.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Quan sát quá khứ giai đoạn 2000 - 2022, các chuyên gia tại đây nhận thấy trong môi trường lạm phát bình quân biến động trong khoảng 4-5% thì lãi suất huy động 12 tháng sẽ duy trì quanh mức 7-8% và lãi suất cho vay bình quân biến động từ 9,5 -11%.

Đồng quan điểm trên, các chuyên gia phân tích của BVSC dự báo với bối cảnh áp lực tỉ giá không còn nữa và lạm phát đã quay trở lại trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện thêm việc giảm lãi suất để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng. Lãi suất huy động được dự báo sẽ giảm 1 điểm % tới cuối năm 2023.

Chuyên gia BVSC dự báo, áp lực lớn nhất đối với tỉ giá trong năm 2022 đến từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất, khiến đồng USD có diễn biến tăng cao, thậm chí vượt đỉnh 20 năm.

Chuyên gia phân tích của Ngân hàng UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể giảm thêm lãi suất điều hành. Các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% so với cùng kì từ mức 5,92% trong quý IV/2022 là một trong những động lực khiến Ngân hàng Nhà nước cắt giảm thêm lãi suất điều hành.

UOB cho rằng, có nhiều khả năng NHNN sẽ thiên về chính sách nới lỏng hơn trong giai đoạn sắp tới, với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 1 điểm % trong quý II năm nay (bao gồm cả đợt giảm 0,5 điểm % từ ngày 3.4).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn