MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích về những thách thức về tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Ảnh: Vân Nguyễn

Tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm nhiều thách thức do nhiều bất ổn

Vũ Long LDO | 12/09/2022 20:56

Tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm nhiều thách thức bởi nhiều bất ổn trên toàn cầu. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Chiều 12.9, tại Hội nghị "Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế", Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh: Những thách thức, bất ổn về kinh tế, chính trị trên toàn cầu trong 8 tháng năm 2022 đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của nền kinh tế gặp rất nhiều thách thức. 

Đầu tư công tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: TL

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ đặt nhiệm vụ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

"Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

Trong bối cảnh đó, giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ KHĐT, trước những bất ổn về kinh tế và chính trị trên toàn cầu, Chính phủ yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Theo đó, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới; tăng trưởng kinh tế vừa trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, vừa là điều kiện để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn