MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bình Phước cần từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực. Ảnh: Trần Nam

Tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ

Vũ Long LDO | 13/07/2022 21:14

Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị làm việc về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Đông Nam Bộ tại Bình Phước.

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo, sáng ngày 12.7.2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị cùng các thành viên Tổ biên tập xây dựng Đề án làm việc với Tỉnh ủy tỉnh Bình Phước về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Bình Phước.

Hội nghị tập trung đánh giá sâu sắc, khách quan, toàn diện các kết quả đạt được từ năm 2005 đến nay, nhất là những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9,3%, cao hơn gấp 1,55 lần tăng trưởng cả nước (5,99%/năm); Cơ cấu nền kinh tế năm 2020: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,3%, đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,7% đạt mục tiêu đề ra; khu vực dịch vụ chiếm 35%; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 69,3 triệu đồng, tương đương 3.000 USD, đạt mục tiêu đề ra (68,34 triệu đồng). Năng suất lao động (NSLĐ) bình quân đạt 119,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, tỉnh có những khó khăn tác động đến sự phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu và yếu, kết nối kém; công nghiệp chế biến còn phổ biến là sơ chế, gia công, giá trị gia tăng thấp; Sản phẩm xuất khẩu chưa chú trọng chế biến sâu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế. Giá cả mặt hàng nông sản luôn có chiều hướng giảm làm ảnh hưởng giá trị sản xuất toàn ngành;

Môi trường đầu tư kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng, hấp dẫn; Chưa có cơ chế huy động nguồn lực chung để giải quyết các vấn đề của vùng cũng như thể chế liên kết vùng còn thiếu và yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định hội nghị là cơ sở để Ban chỉ đạo xây dựng đề án tổng kết thực tiễn, đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, đặc biệt là việc xác định tiềm năng, động lực phát triển chính của tỉnh Bình Phước. Đồng thời từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt kìm hãm sự phát triển của địa phương đối với từng ngành, lĩnh vực, vấn đề cụ thể. Qua đó, phân tích tính đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hiện hành huy động nguồn lực bên ngoài và khai thông các nguồn lực tại chỗ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn