MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2018 với chủ đề “Nhìn lại mô hình tăng trưởng thịnh vượng, bền vững môi trường và hoà nhập xã hội”. Ảnh: A.C

Tăng trưởng kinh tế phải gắn với môi trường và xã hội

ĐẶNG TIẾN LDO | 19/01/2018 09:36
Năm 2017, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã được cải thiện, niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt con số kỷ lục với gần 127.000 DN. Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn ở mức thấp, năng suất lao động chưa cao… Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn Phát triển bền vững Việt Nam 2018 do Bộ KHĐT tổ chức sáng qua (18.1).

Báo động khoảng cách giàu nghèo

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng năm 2017 đã ghi nhận những thành công của VN trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá tăng 14 bậc (đứng thứ 68/190 nền kinh tế); năng lực cạnh tranh quốc gia theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137). Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân… Vì vậy nếu không tìm ra động lực phát triển mới VN khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Để đưa nền kinh tế phát triển thịnh vượng đi đôi với bền vững môi trường và hòa nhập xã hội trong thời gian tới, VN cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh, bền vững, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 sớm đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Để làm được điều này Bộ trưởng Nguyễn Trí Dũng cho rằng, cần phải tập trung cải cách thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường. Chấm dứt việc xây dựng các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng làm hạn chế sự tham gia thị trường các thành phần kinh tế. Đồng thời phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thu hút chọn lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân coi đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thể chế hoá đầy đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và sở hữu trí tuệ. Thúc đẩy, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp FDI.

Kết nối 3 trụ cột: Kinh tế - môi trường - xã hội

Làm thế nào để kết nối 3 trụ cột để phát triển nhanh nhưng phải bền vững do vậy cần phải tính đến các yếu tố về môi trường về xã hội là vấn đề đã được các diễn giả quan tâm. Theo PGS Vũ Minh Khương, muốn phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột chính đó là: Tăng trưởng kinh tế, quản lý và bảo vệ môi trường. Với sự kết nối và đóng góp của 3 trụ cột kinh tế này sẽ là một lợi thế lớn nhất là việc tiếp cận công nghệ đến từ cuộc cách mạng 4.0 để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường công nghệ; thúc đẩy sản xuất thông minh (tập trung trong nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin) và xây dựng đô thị thông minh. Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, cải tổ hệ thống giáo dục đại học và đào tạo nghề. Đây là minh chứng cho việc cam kết về việc sẵn sàng hành động cho sự phát triển bền vững của VN và cũng chính là nơi hội tụ của các ý tưởng phát triển bền vững và thiết kế lại hệ sinh thái để sống an toàn hơn. Cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, các Cty đa quốc gia lớn, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp của tư nhân trong nước, nhất là trong phát triển ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời phát huy các cực tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng và đô thị, nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch kết cấu hạ tầng KTXH, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, khắc phục tình trạng phát triển manh mún, kém hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn