MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm tới dự báo thấp kỷ lục

Quý An (theo Bloomberg) LDO | 07/04/2023 16:16
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm tới sẽ là thấp nhất kể từ năm 1990.

Theo đó, IMF kêu gọi các quốc gia tránh phân mảnh kinh tế do căng thẳng địa chính trị gây ra và thực hiện các bước để tăng năng suất.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng khoảng 3% trong nửa thập kỷ tới khi lãi suất cao hơn. Đó là dự báo tăng trưởng trung hạn thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 3,8% trong hai thập kỷ qua.

Bà cho biết, đến năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu có thể sẽ tăng dưới 3% - tương tự với dự báo tháng 1 vừa qua của IMF là 2,9%.

IMF cho hay, khoảng 90% các nền kinh tế tiên tiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm nay do chính sách tiền tệ thắt chặt hơn đè nặng lên nhu cầu, làm chậm hoạt động kinh tế ở Mỹ và khu vực đồng euro. IMF cũng có kế hoạch phát hành một báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới chi tiết hơn vào ngày 11.4 tới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 5 năm tới sẽ là thấp nhất kể từ năm 1990. Ảnh: Xinhua

Xung đột Nga-Ukraine đã làm xấu đi mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu và đang thúc đẩy nạn đói trên khắp thế giới.

“Nền kinh tế thế giới nói chung giờ đây ít có khả năng hỗ trợ những thành viên yếu nhất” - Georgieva nói.

Một số thị trường mới nổi đang thể hiện sức mạnh, đặc biệt là ở châu Á, với Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp lại đang gặp khó khăn do nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của họ suy yếu, với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của các nước này vẫn thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi. Tỉ lệ nghèo đói gia tăng trong đại dịch COVID-19 có thể tăng lên.

Cũng theo lãnh đạo IMF, bất chấp triển vọng tăng trưởng ảm đạm, lạm phát cao có nghĩa sẽ buộc ngân hàng trung ương phải tiếp tục tăng lãi suất trong bối cảnh áp lực ổn định tài chính sau những biến động gần đây của ngành ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sĩ. Nếu hệ thống ngân hàng trở nên bất ổn, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với lựa chọn giữa chống lạm phát hay bảo vệ hệ thống tài chính.

“Với những căng thẳng địa chính trị gia tăng kèm theo lạm phát vẫn ở mức cao, sự phục hồi mạnh mẽ vẫn khó đạt được. Điều này làm tổn hại đến triển vọng của tất cả, đặc biệt là đối với những nước dễ bị tổn thương nhất” - người đứng đầu IMF nói.

Thông điệp rõ ràng của Georgieva được đưa ra một ngày sau khi IMF cảnh báo rằng, sự phân mảnh địa chính trị do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xấu đi trong những năm gần đây bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn, chủ yếu tập trung vào các mối quan ngại về kinh tế và an ninh quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn