MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm 2017 số DN được thành lập mới đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 126.859 DN (tăng 15,2%), đặc biệt là các DN khối bán buôn, bán lẻ. Trao giấy chứng nhận đăng ký DN tại Sở KHĐT Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tăng trưởng nhanh nhưng chưa chắc

ĐẶNG TIẾN LDO | 07/02/2018 09:02
Tính đến 31.12.2017, trên phạm vi cả nước có 561.064 doanh nghiệp (tăng 11,1% so với năm 2016). Trong đó, riêng năm 2017 số DN được thành lập mới đạt mức kỷ lục từ trước đến nay là 126.859 DN (tăng 15,2%), đặc biệt là các DN khối bán buôn, bán lẻ.

Tăng kỷ lục

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), năm 2017 là năm đạt kỷ lục về số DN thành lập mới, có 34/63 tỉnh có số DN thành lập mới cao hơn tốc độ tăng bình quân chung cả nước. Một số tỉnh có tốc độ tăng cao như: Bến Tre tăng 272,6%; Thanh Hoá tăng 110,9%; Hà Giang tăng 55,4%; Tuyên Quang tăng 52,7%... Trong đó 19 tỉnh có tốc độ tăng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Trong số các DN thành lập mới năm 2017 có tới 35,8% DN hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ (tăng 16,6% so với năm 2016), tiếp đến là các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng. Cũng theo thống kê, năm 2017 cả nước có 26.448 DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm 2016 và có 12.113 DN giải thể. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp TCTK - Phạm Đình Thú cho rằng số lượng có trên 10.000 DN thành lập mới mỗi năm là tăng kỷ lục, rõ ràng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thành lập mới vẫn còn nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế.

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) Nguyễn Bích Lâm giai đoạn 2010-2016 tổng số DN thực tế đang hoạt động bình quân tăng 10,4% và các số liệu thống kê dựa trên khảo sát thực tế từ các DN tham gia nghĩa vụ thuế. Theo đó, khu vực kinh tế, dịch vụ là khu vực hiện có số lượng DN hoạt động nhiều nhất, đồng thời là khu vực có tốc độ DN tăng cao nhất, trong giai đoạn 2010-2016 khu vực này tăng 11,5%. Cùng đó, trong giai đoạn này mỗi năm khu vực DNNN giảm 3,4% số DN, trong khi đó bình quân số DN ngoài nhà nước tăng 10,5% và FDI tăng 11,6%. “Trong đó số lượng DN mà Tổng cục Thống kê đưa ra là có đóng góp kinh doanh, còn doanh nghiệp có doanh thu bằng không có doanh thu thì không được đưa vào điều tra” - ông Lâm cho biết.

Kiểm soát chống chuyển giá

Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Hồng Long cũng cho rằng FDI là khu vực tạo ra doanh thu lớn nhất nhưng đóng góp cho Nhà nước lại thấp hơn các loại hình kinh tế khác. Nguyên nhân là FDI ở một số các địa phương sản xuất, lắp giáp, gia công, tiếp thị, điện tử viễn thông… được miễn thuế đối với các hoạt động nêu trên đối với thuế thu nhập như 3 năm đầu tiên phải đóng 10%, 9 năm tiếp theo đóng 50%. Bình quân, thuế thu nhập doanh nghiệp nói chung 20 - 25%, còn các doanh nghiệp FDI đóng cao nhất trong 30 năm cũng chỉ bằng 1/2 của các doanh nghiệp khác. Đây là điểm hấp dẫn và là lợi thế hơn nên đầu tư nước ngoài không ngừng tăng, đóng góp tích cực cho các nền kinh tế. Hiện nay, tại một số địa phương có chính sách khuyến khích miễn giảm các loại thuế, thời gian miễn giảm khác nhau. Trước đây Bộ KHĐT là đơn vị nói chung cấp phép cho các dự án FDI, hiện đã giao cho các địa phương tự chủ động cấp phép cho các doanh nghiệp FDI nên chính sách có những khác nhau ở địa phương. Có tỉnh này ưu đãi cao, tỉnh khác lại không ưu đãi, tuy nhiên chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ không được ưu đãi vượt khung để tạo công bằng trong thu hút FDI của các địa phương.

Cũng theo ông Long hiện một bộ phận DN FDI đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của VN để lách luật, chuyển giá, trốn thuế mà các cơ quan pháp luật của VN chưa phát hiện ra hoặc chưa có biện pháp chống chuyển giá, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Vấn đề này đã làm môi trường đầu tư bị méo mó và cạnh tranh không lành mạnh… “Hiện nay các DN VN tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu là tăng quy mô về vốn và lao động, kết quả chưa đạt kỳ vọng. Năng suất của cả nền kinh tế, chất lượng hiệu quả còn thấp hơn khá nhiều trong khu vực và thế giới. Đây là vấn đề Chính phủ và các bộ, ngành đang đẩy mạnh thúc đẩy phát triển, tiến tới đứng đầu vào tốp khu vực Đông Nam Á nhưng không phải ngày một ngày hai” - ông Long cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn