MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ phát biểu về yêu cầu tái cơ cấu kinh tế. Ảnh: KH.V

Tăng trưởng nhưng phải để người lao động thụ hưởng

KHÁNH VŨ LDO | 16/11/2017 09:15
Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức sáng 15.11 tại Hà Nội. Tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế và ngược lại... và mục đích cuối cùng là con người phải được hưởng thụ thành quả tăng trưởng.

“Không bỏ ai lại phía sau”

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, để tăng trưởng thành công, cần huy động sự tham gia đóng góp của đông đảo người dân. Đồng thời, thành quả của tăng trưởng phải được chia sẻ tới các tầng lớp nhân dân, đảm bảo “không bỏ lại ai phía sau”. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề tự do hoá thương mại, cách mạng công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam không nắm bắt thời cơ và bứt phá tăng trưởng sẽ bị tụt hậu. Để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

“Nếu tăng trưởng không vì con người, người dân không được tận hưởng thì tăng trưởng đó không có ý nghĩa. Tăng trưởng phải bền vững nhằm mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, phải chuyển từ tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, sang tăng trưởng xanh, bền vững” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Vấn đề đặt ra là, trong khi chúng ta vẫn phải duy trì tốc độ phát triển, đồng thời phải đẩy nhanh nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu như trước kia chúng ta đặt trọng tâm vào 3 nhiệm vụ, thì nay phải là 5 trọng điểm: Đầu tư, trong đó nhấn mạnh cải cách đầu tư công, cải cách khu vực kinh tế Nhà nước, trọng tâm là DNNN; cải cách khu vực tài chính và hệ thống ngân hàng và hiện vấn đề nóng nhất là tái cơ cấu sự nghiệp công; thu chi ngân sách; nợ công; vấn đề biên chế. Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận: Ngoài đối mặt với vấn đề thiên tai, thì các chính sách vĩ mô cho phát triển cần thay đổi. Chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, yếu kém, thậm chí là “khuyết tật” của nền kinh tế trong nhiều năm qua!

Tái cơ cấu kinh tế - vốn con người là ưu tiên số 1

Theo TS Trần Du Lịch, trong vấn đề tái cơ cấu kinh tế, vấn đề lớn nhất trong quá trình tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp ở nước ta là chuyển bộ phận lớn lao động trong nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp, chuyển bộ phận nông dân thành thị dân một cách có kế hoạch, chứ không thể để tình trạng tự phát như hiện nay. “Những vấn đề này liên quan đến các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các “cứ điểm nông - công nghiệp” ở nông thôn; đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, các chính sách an sinh xã hội cho địa bàn nông thôn, chứ không phải chỉ là vấn đề “hạn điền”” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nhập siêu tăng và năng suất lao động thấp là do tính chất “nền công nghiệp gia công”. Do đó, cần phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến - đặc biệt là chế biến các sản phẩm công nghiệp. Sử dụng các chính sách thuế có điều kiện để các DN nâng tỉ lệ sản phẩm “nội địa hóa” nhằm chuyển từ nền công nghiệp gia công san nền công nghiệp sản xuất, trong đó người lao động được đào tạo bài bản, có tay nghề cao, có mức thu nhập ổn định…

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong những lĩnh vực sản xuất như dệt may, điện tử, nếu thiết bị công nghệ của các DN ở Việt Nam được đầu tư như ở nước nước ngoài thì năng suất lao động của người Việt Nam không hề thua kém họ. Nếu được đầu tư trang thiết bị, năng suất lao động kỹ thuật của công nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tương đương với các nước khác. Các chuyên gia kinh tế đều đồng quan điểm: Sử dụng vốn con người, phát huy vốn con người phải là ưu tiên số 1 trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Theo PGS-TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - khi nhìn vào những “điểm nghẽn” là rào cản tăng trưởng kinh tế, thì cần đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp. Trong đó, nếu động lực là công nghệ thì cần các giải pháp để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và cải tiến công nghệ. Còn nếu động lực là lao động thì cần đưa ra các giải pháp chính sách để thúc đẩy thị trường lao động hoạt động hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi thực tế trong 10 tháng năm 2017, với cơ chế “Nhà nước kiến tạo, Chính phủ hành động - vì DN”, Chính phủ đã tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân đẩy mạnh xu thế khởi nghiệp - đổi mới, sáng tạo, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nỗ lực giảm chi phí, tạo niềm tin và hứng khởi để DN và người lao động tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, cần mạnh dạn thay đổi tư duy cũ, nhấn mạnh tính chuyên nghiệp, chú trọng năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, bỏ cơ chế tuyển biên chế dựa vào chứng nhận “bằng cấp”, tuyển người và trả lương theo việc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn