MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN cấp cho các ngân hàng chỉ ở quanh mức 10% thấp hơn nhiều so với năm 2019. Ảnh: Bảo Chương

Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng như thế nào trong dịch COVID 19?

Gia Miêu LDO | 23/04/2020 12:18
Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa cho thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng trong năm 2020 khoảng 10%, thấp hơn nhiều so với mức 13% đầu năm đặt ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Cụ thể, Techcombank và VPBank được cấp chỉ tiêu lớn nhất 13%, chỉ tiêu thấp nhất là Vietinbank ở mức 8,5% và Eximbank mức 9%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng NHNN cấp cho các ngân hàng còn lại trên dưới khoảng 10,1%.

Các chuyên gia của BSC đưa ra nhận định NHNN đang đặt mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với nhu cầu tín dụng, ước tính ở mức 10,5% nhằm mục đích giúp tạo "room" cấp thêm tín dụng tùy tình hình biến động của kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Các chuyên gia phân tích của BSC cũng cho rằng "room" tín dụng còn lại có thể được cấp vào cuối năm nếu lạm phát được kiểm soát tốt.

Trong quý I/2020, NHNN đã hạ lãi suất điều hành hỗ trợ chi phí vốn và tăng lãi suất tiền gửi tại NHNN trong hệ thống. Việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn. BSC ước tính việc này sẽ giúp toàn ngành tiết kiệm được khoảng 4.454 tỉ đồng. 

Trong khi đó, các chuyên gia của BSC cũng nhận định việc hạ lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên sẽ không có tác động nhiều đến các ngân hàng do lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên ở các ngân hàng đã ở mức thấp hơn mức trần. Mặt khác, động thái tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc thêm 20 điểm cơ bản sẽ giúp các ngân hàng có thêm một phần thu nhập lãi, tuy không nhiều. BSC cho rằng tiền gửi dự trữ bắt buộc của các ngân hàng tại SBV tại thời điểm cuối năm 2019 ở mức 175.300 tỉ đồng, từ đó ước tính phần thu nhập lãi tăng thêm sẽ quanh 351 tỉ đồng.

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 10.4 đạt 0,8% là thông tin được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng NHNN chia sẻ mới đây. Ông Hùng cho biết đến cuối tháng 3, dư nợ tín dụng tăng 1,3% nhưng đầu tháng 4 có xu hướng giảm do doanh nghiệp thu hồi vốn, xuất hàng, trả nợ. Điều này cho thấy lượng hấp thụ vốn của nền kinh tế có chiều hướng giảm. Phần lớn dư nợ các lĩnh vực du lịch, thương mại... đều giảm, kể cả cho vay tiêu dùng. Chỉ ngành công nghiệp, xây dựng tăng 1%, nông nghiệp nông thôn tăng 0,3%. Dư nợ tín dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm 1%.

Qua các báo cáo tài chính quí I được công bố, hầu hết chỉ số tăng trưởng cho vay khách hàng đều giảm so với số tăng cùng kỳ năm trước.  Như Vietcombank, tăng trưởng cho vay khách hàng của ngân hàng này quí 1/2019 so với cuối năm 2018 là hơn 41.000 tỉ đồng, tương đương 7%. Đến đầu năm nay, con số tăng trong cùng khoản thời gian là gần 19.800 tỉ đồng, tương đương 3% so với cuối năm 2019. Tương tự, tăng trưởng cho vay khách hàng của VPBank năm nay cũng mới đạt 3% quí 1, trong khi cùng kỳ là 4%; tăng trưởng cho vay quí 1 năm nay của VIB là 4% (cùng kỳ 6%); TPBank tăng 5% quí này (cùng kỳ tăng 10%); Sacombank năm trước tăng trưởng 6% thì đến năm nay cũng chỉ tăng 3%...

Điều này cho thấy tăng trưởng cho vay khách hàng tại hầu hết ngân hàng đều bị ảnh hưởng trong quí I do tác động từ dịch COVID-19 như báo cáo của cơ quan quản lý đã nêu trước đó. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng thu nhập lãi thuần (tiền lãi chênh lệch từ cho vay và đi vay) của các ngân hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn