MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Bảo Chương

Tăng trưởng tín dụng nỗ lực về đích

Gia Miêu LDO | 29/08/2024 10:53

Tín dụng có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tháng 8 và ngành ngân hàng kỳ vọng cải thiện dần trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16.8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023, trong khi trước đó, đến hết tháng 7.2024, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.

Tại TPHCM, đến cuối tháng 7.2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.680 nghìn tỉ đồng, giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước và tăng 11,47% so với cùng kỳ. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 4,54% so với tháng trước và tăng 13,52% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN TPHCM, cho biết tín dụng tháng 7.2024 giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực là yếu tố môi trường quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2024.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm trong nửa đầu năm nay. Nguyên nhân do tính chất mùa vụ trong quý đầu năm và sức cầu thị trường còn yếu, thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục.

Công ty Chứng khoán VCBS dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 ước đạt 12 - 13%. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; thị trường bất động sản hồi phục dần từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, cho vay mua nhà.

Công ty Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) đưa ra quan điểm cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.

Trong nửa cuối năm, để hoàn thành mục tiêu, nền kinh tế cần đẩy thêm 8,73% tương đương với hơn 1,18 triệu tỉ đồng ra thị trường. Tuy nhiên, nhóm phân tích của VPBank Securities vẫn lo ngại tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn do tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.

Các chuyên gia của VPBank Securities cho rằng, tín dụng được thúc đẩy phần lớn bởi ngành bất động sản. Đến cuối quý II, dư nợ ngành bất động sản đạt 3,083 triệu tỉ đồng, tăng 6,8% kể từ đầu năm, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng.

Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên các chuyên gia VPBank Securities nhận thấy còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong 1 năm qua nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần nguồn lực xử lý nợ xấu tồn đọng nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực.

VPBank Securities kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng. Các chuyên gia kỳ vọng những thay đổi trong Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới sẽ chủ yếu có lợi cho người mua nhà giúp tín dụng tăng trưởng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn