MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tăng trưởng xanh đang là nhiệm vụ cấp thiết của nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Xinhua

Tăng trưởng xanh - xu hướng cấp thiết toàn cầu

Quý An LDO | 26/04/2023 09:30
Tăng trưởng xanh là nhiệm vụ cấp thiết mang tính toàn cầu. Nhiều nước đã hành động để hướng đến tương lai không khí thải.

Theo nghiên cứu của McKinsey, cần đầu tư 9,2 nghìn tỉ USD mỗi năm trong 30 năm tới để đạt mức 0 ròng khí thải trên toàn cầu. Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, để giữ nhiệt độ thấp hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thế giới cần đạt được các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Xác định là nhiệm vụ mang tính cấp thiết, xu hướng tăng trưởng kinh tế xanh đã nhận được sự ủng hộ lớn trên toàn thế giới.

Cuối tháng 3, Chính phủ Anh đưa ra chiến lược đầu tư nhằm nỗ lực xây dựng tài chính xanh, hướng tới môi trường không khí thải “Net Zero” vào năm 2050. Theo đó, Anh sẽ huy động ít nhất 500 triệu bảng từ khu vực tư nhân để hỗ trợ phục hồi thiên nhiên hàng năm. Sau năm 2027, mục tiêu huy động ít nhất 1 tỉ bảng để hỗ trợ đa dạng sinh học.

Theo Chủ tịch cơ quan Natural England Tony Juniper, môi trường lành mạnh và một nền kinh tế sôi động luôn đi đôi với nhau. Tài chính xanh có thể mở khóa các giải pháp đạt được nhiều mục tiêu khác nhau: Phát triển nước sạch, thúc đẩy an ninh lương thực lâu dài, tăng khả năng phục hồi trước các tác động của biến đổi khí hậu, giúp duy trì sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu lượng carbon.

Liên minh châu Âu (EU) vừa thống nhất về các quy tắc mang tính bước ngoặt về việc ôtô sẽ không phát khí thải sau năm 2035 - đánh dấu sự kết thúc đối với kỷ nguyên ôtô chạy bằng động cơ đốt trong. Các bộ trưởng năng lượng của các nước sẽ kí kết các thỏa thuận chung để thông qua ôtô chạy hoàn toàn bằng điện từ sau năm 2035. Sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra các quy tắc để ôtô chạy bằng nhiên liệu điện tử được phép lưu thông trên các con đường của châu Âu.

Châu Á đã và đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực về công nghệ, giải pháp dựa vào thiên nhiên và thành phố thông minh. Ở khu vực Đông Nam Á, các ngân hàng khu vực như AIIB, SDG đang đưa ra những gói tài chính hỗ trợ năng lượng xanh khi khu vực ASEAN cần đầu tư 210 tỉ USD hàng năm vào năng lượng tái tạo để đáp ứng mục tiêu khí hậu.

Chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện chiến lược cắt giảm dần khí thải carbon, cụ thể là giảm nhu cầu nhiên liệu và phát thải khí nhà kính thông qua cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu. Nước này đang đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Hồng Kông và Singapore đang cạnh tranh để trở thành trung tâm tài chính của châu Á. Từ trái phiếu xanh đến giao dịch carbon, cả hai thành phố đều có vị trí thuận lợi để đóng vai trò là cơ sở tài chính bền vững của khu vực giúp các chính phủ và công ty tăng cường đầu tư trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Một số quốc gia như Namibia, Chile và Australia đang nỗ lực sử dụng các nguồn tài nguyên từ mặt trời và gió để sản xuất các sản phẩm năng lượng xanh, hứa hẹn một tương lai phát triển trong quá trình chuyển đổi.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn