MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội lạc quan trong tháng 1.2021. Nguồn: TCTK

Tạo đà cho doanh nghiệp và người dân yên tâm vừa sản xuất, vừa chống dịch

Phong Nguyễn LDO | 30/01/2021 12:30
Sáng 29.1, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2021, Tổng cục Thống kê nêu nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá lạc quan. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù số liệu của 1 tháng khó phản ánh được bức tranh tổng thể, nhưng đây là những chỉ số quan trọng tạo đà cho tăng trưởng ở các tháng còn lại của quý I/2021.

Xuất khẩu là điểm sáng; nhiều DN thành lập mới

Theo các chuyên gia, chỉ số kinh tế, xã hội tháng 1.2021 nhiều tín hiệu lạc quan. Trao đổi với PV Lao Động, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhấn mạnh: “Việc tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,7% so với tháng trước và 6,4% so với cùng kỳ năm trước là tín hiệu lạc quan, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn”. Trong đó, xuất khẩu là điểm sáng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Đây là một “điểm cộng” tạo lợi thế cho Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong các tháng tiếp theo.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1.2021 ước đạt 27,7 tỉ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1.2021 có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 67,3%. “Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1.2021 đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước, một phần chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm điện thoại di động phiên bản mới S21 và do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm trước rơi vào tháng một” - Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1.2021, sản lượng thủy sản ước tính đạt 497,9 nghìn tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1.2021 ước tính tăng cao 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng nêu con số lạc quan: Tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong tháng 1.2021 có nhiều khởi sắc khi DN đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động. Tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các DN vào nền kinh tế trong tháng 1.2021 là 395,1 nghìn tỉ đồng, tăng 10,5% so với tháng 1.2020.

Cần nhiều kịch bản để duy trì tăng trưởng trong quý I

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, sự tăng trở lại của các DN đăng ký mới cho thấy sự lạc quan và cơ hội đầu tư mới của DN năm 2021 đã được mở ra và cũng phù hợp với kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, so với DN dừng hoạt động và phá sản, 2 con số này gần nhau thì không phải là tốt.

“Về chỉ số lạm phát, chỉ số tháng 1.2021 tăng thấp nhất là dấu hiệu khá đặc biệt của năm nay so với mọi năm, bởi so với tháng sát Tết thì chỉ số giá tiêu dùng sẽ tăng rất mạnh do tổng cầu tăng lên và sức mua thị trường tăng lên. Nhưng tăng không nhiều thì phản ánh tổng cầu suy giảm, sức mua trong nước, chỉ số bán lẻ tiêu dùng không được tốt lắm” - TS Nguyễn Minh Phong phân tích, đồng thời nêu rõ: Tín hiệu tích cực là lạm phát thấp sẽ giúp Chính phủ kiểm soát được chỉ tiêu đã đặt ra (kiểm soát lạm phát dưới 4% - PV), nhưng lạm phát không cao sẽ tạo sức ép lên DN, DN phải bán hạ giá.

Do đó, để tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, trong năm 2021, trong bối cảnh COVID-19 có nguy cơ diễn biến phức tạp trở lại, Chính phủ và các bộ, ban, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ DN tận dụng các cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do mang lại; phát triển các mô hình kinh tế mới, phát triển kinh tế số và thương mại điện tử.

“Để hỗ trợ DN và người dân yên tâm vừa sản xuất tạo ra của cải cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa nghiêm túc thực hiện phòng chống dịch, Chính phủ cần có kịch bản, cùng các địa phương hỗ trợ DN theo hướng tương tự năm ngoái, nhưng quy mô có thể lớn hơn, thời gian có thể dài hơn, điều kiện có thể bớt ngặt nghèo hơn (nới lỏng các quy định về điều kiện để nhận các gói hỗ trợ - PV) theo các kịch bản linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, từng điều kiện” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Phân tích về con số lạm phát, TS Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, lạm phát tháng 1.2021 chỉ tăng 0,06% so với tháng 12.2020 và giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước cho thấy ảnh hưởng của COVID-19 nên sức mua chưa hồi phục hoàn toàn. Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian tới, cần có các giải pháp phù hợp, sát thực tế; phải ngăn được dịch, nhưng không cách ly quá mức cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn