MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Tạo động lực tăng trưởng mới từ cải cách thể chế, phát huy tốt các FTA

Đức Mạnh LDO | 12/04/2024 18:55

Khôi phục các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo.

Đổi mới tư duy cải cách thể chế

Tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới” diễn ra vào hôm nay (12.4), TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - đánh giá Việt Nam đã đạt được không ít kết quả kinh tế - xã hội tích cực trong quý I/2024. Nếu duy trì tốt đà phục hồi trong các tháng cuối năm, Việt Nam có thể hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

Tuy nhiên triển vọng kinh tế thế giới còn khá nhiều bất định. Phía trong nước, giải ngân tín dụng còn tương đối chậm; chi phí của một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào chịu áp lực tăng; năng suất lao động chưa được cải thiện ở mức tương xứng... đang đòi hỏi cần thúc đẩy những động lực tăng trưởng vốn có cũng như tìm ra những động lực mới.

Diễn đàn Doanh nghiệp 2024 - Khơi thông động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Tuấn Ngọc

Trong những định hướng chính sách nhằm làm mới động lực cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh cần đẩy nhanh cải cách môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Đặc biệt là theo những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024. Nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện cơ chế đặc thù cho phát triển một số vùng kinh tế - xã hội, đô thị lớn. Sớm rà soát, hoàn thiện khung chính sách cho các mô hình kinh tế mới để tạo không gian kinh tế lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận các thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách.

Đồng thời hoàn thiện và triển khai hiệu quả khung chính sách cải thiện năng suất lao động, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng kỹ năng và chuyển đổi kỹ năng cho người lao động để thích ứng với các mô hình kinh tế mới. Chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong quá trình này, tạo cơ hội và động lực cho doanh nghiệp chủ động tham gia chuyển đổi kỹ năng cho người lao động chính là một yêu cầu quan trọng.

TS Trần Thị Hồng Minh. Ảnh: Tuấn Ngọc

Khai thác hiệu quả FTA trong bối cảnh mới

Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế, việc tham gia các FTA đã thực sự tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Để thực thi hiệu quả FTA, cần chiến lược, chủ động, đổi mới mạnh mẽ.

"Điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết hiệu quả các tranh chấp nếu có. Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của tất cả các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai và thực thi các FTA đã có hiệu lực trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh" - ông Minh Anh khuyến nghị.

Ông Trịnh Minh cho biết rủi ro thách thức nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây. Ảnh: Tuấn Ngọc

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh, nhưng nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn