MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ. Ảnh TL

Táo tợn trò lừa đảo giả Facebook ngân hàng TPBank tư vấn cho vay

Lan Hương LDO | 06/12/2019 15:58

Trên mạng xã hội thời gian qua xuất hiện Facebook có tên “TPBank – Bán Hồ Sơ Vay Vốn Giải Ngân Trong Ngày” thông báo bán hồ sơ giải ngân duyệt sẵn có thu phí của TPBank. Tuy nhiên, đây là Facebook giả mạo để lừa đảo, đánh cắp thông tin khách hàng.

Đại diện TPBank cho biết Facebook này không thuộc quản lý của ngân hàng, không thể đại diện cho ngân hàng để tư vấn cho khách hàng về các sản phẩm dịch vụ TPBank cung cấp.

Bên cạnh đó, việc mua bán này hoàn toàn trái với các quy định hiện hành của ngân hàng và pháp luật Việt Nam. Theo quy trình hiện tại, khách hàng có nhu cầu vay vốn tại TPBank cần làm việc trực tiếp với cán bộ bán hàng của ngân hàng ở các đơn vị kinh doanh để được tư vấn về sản phẩm dịch vụ, đồng thời phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ nghiêm ngặt từ phía TPBank. Chỉ khi khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định mới được giải ngân.

“TPBank đề nghị hách hàng cảnh giác, tránh hành vi lừa đảo của đối tượng trên”, đại diện TPBank nói.

Trong một diễn biến khác, chiều 4.12, chị N.T.M.K, một khách hàng của VPBank, nhận tin nhắn thông báo trúng 1 sổ tiết kiệm từ “SAN SO LOC VANG” và yêu cầu truy cập vào website http://trian.bank-vp.com để nhận giải. Khi chị M.K. đăng nhập vào website trên thì hiện tên miền https://online.vpbank.com.vn/cb/pages/jsp-ns/login-cons.jsrp), giao diện giống hệt website thật của ngân hàng VPBank.

Sau đó chị M.K nhận tin nhắn với nội dung chị đã vay ngân hàng 360 triệu đồng. Khoảng 5 giây sau, chị M.K tiếp tục nhận được tin nhắn vay thêm 90 triệu đồng...Tổng cộng chị M.K nhận được 18 tin nhắn với 2 giao dịch vay tổng cộng 450 triệu đồng và 16 tin nhắn bị trừ 11,5 triệu đồng trong tài khoản.  

Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, đại diện VPBank cho biết tin nhắn và đường link khách hàng nhận được đều là giả mạo VPBank.

Ngay sau khi tiếp nhận yêu cầu tra soát của khách hàng N.T.M.K, VPBank đã hủy hai khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm và gửi thông báo SMS tới khách hàng.

“Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và với khách hàng để xử lý nhằm làm rõ vụ việc”, đại diện VPBank cho biết.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch an ninh mạng BKAV đưa ra 4 khuyến cáo người sử dụng không nên click vào các đường link lạ, chỉ nên truy cập website có kí tự http:// ở đầu, sau đó là địa chỉ website của trang chính thống.

Thứ hai, đối với các giao dịch đáng ngờ, người sử dụng nên gọi điện để kiểm tra lại với người thân.

Thứ ba, nên cài đặt các phần mềm an ninh trên máy tính.

Thứ tư, khách hàng nên cài đặt hạn mức giao dịch trên tài khoản ngân hàng.

7 điều cần nhớ khi giao dịch thẻ

Thứ nhất, khách hàng nên kiểm tra địa chỉ liên kết và email của người gửi xem có xác thực hay không trước khi truy cập.

Thứ hai, để đảm bảo liên kết là chính xác, thay vì nhấp vào liên kết đó, ngân hàng khuyến cáo khách hàng hãy gõ nó vào trình duyệt, cảnh giác với những liên kết nhận được từ mạng xã hội như Zalo, Facebook…

Thứ ba, không nhập chi tiết thẻ tín dụng của vào các trang mạng online đáng ngờ. 

Thứ tư, bảo mật thông tin mã OTP, mã PIN, không tiết lộ cho bất kỳ ai.  

Thứ năm, trong trường hợp khách hàng phát hiện có thể đã nhập dữ liệu của mình vào một trang giả mạo, hãy thay đổi mật khẩu, mã PIN hoặc chủ động khóa/mở thẻ dễ dàng ngay trên ứng dụng app của ngân hàng.  

Thứ sáu, không sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều trang mua sắm online.

Thứ bảy, hạn chế sử dụng wifi miễn phí các nơi công cộng. 

Khi có nghi vấn hành vi lừa đảo giao dịch, khách hàng cần liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho Hotline hỗ trợ hoặc điểm giao dịch gần nhất để được hỗ trợ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn