MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tập đoàn Egroup và mức giá buồn của cổ phiếu IBC

THANH GIANG LDO | 09/01/2023 14:00

Từ ngày 30.12.2022 đến ngày 6.1.2023, Tập đoàn Egroup bị Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu IBC, nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên hơn 13 triệu đơn vị trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Apax Holdings. Ảnh: Hồng Phước
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup vừa báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Apax Holdings (HOSE: IBC). Theo đó, từ ngày 30.12 đến ngày 6.1, Egroup đã bị Mirae Asset bán giải chấp 2,7 triệu cổ phiếu IBC. Giao dịch nâng số cổ phiếu IBC bị bán giải chấp của Egroup lên hơn 13 triệu đơn vị. Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Egroup đã giảm xuống còn 36,7 triệu cổ phiếu, tương đương 44,11% vốn điều lệ của Apax Holdings

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 16-29.12, ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) - Chủ tịch Apax Holdings - cũng đã bị Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 1,56 triệu cổ phiếu IBC. Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Shark Thủy tại Apax Holdings đã giảm xuống còn 6,174% vốn điều lệ, tương đương với 5,134 triệu đơn vị.

Trên thị trường, sau khi chấm dứt chuỗi giảm sàn kỷ lục 26 phiên liên tiếp, cổ phiếu IBC đã bất ngờ “quay xe” tăng trần 6 phiên liên tiếp. Kết phiên 6.1, IBC dừng ở mức 3.600 đồng/CP, tăng 49% so với đáy nhưng vẫn thấp hơn 80% so với thời điểm trước khi lao dốc hồi giữa tháng 11.  

Giải trình về việc giá cổ phiếu IBC tăng trần nhiều phiên liên tiếp từ 29.12 đến 5.1, Apax Holdings cho biết đà tăng đến từ cung cầu cùng của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định. Apax Holdings không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trước đó, trong tháng 12.2022, cổ phiếu IBC chứng kiến kỷ lục buồn khi có chuỗi giảm sàn 26 phiên liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu IBC về ngưỡng 2.420 đồng/CP (kết thúc phiên giao dịch ngày 28.12.2022). Việc cổ phiếu IBC giảm sàn do công ty này vướng "lùm xùm" về Chủ tịch công ty định cư tại Châu Âu, về chất lượng dạy học, chậm trả hoặc nợ lương nhân viên...

Liên quan đến vấn đề này, IBC đã có công văn gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE giải trình về các thông tin trên báo chí. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Tập đoàn - cũng khẳng định thông tin cho rằng ông định cư Châu Âu là không chính xác.

Trần tình thêm về những khó khăn trong 2 năm dịch COVID-19, ông Thuỷ cho biết từng trần tình về những khó khăn sau giai đoạn đóng cửa vì dịch bệnh, ông Thủy cho biết, việc đóng cửa các trung tâm tiếng Anh khiến đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Khi tăng trưởng nóng với việc mở nhiều trung tâm vào giai đoạn 2019 cùng phần chủ quan trên đà chiến thắng nên doanh nghiệp đi khá nhanh và đã gặp một cú vấp quá lớn. Những điểm mở ra nhiều nhất lại rơi vào năm 2019, do đó mới hoạt động thời gian ngắn đã phải đóng cửa vì COVID-19.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, IBC ghi nhận doanh thu đạt 1.042 tỉ đồng, giảm hơn 300 tỉ đồng so với cùng kì. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Tính đến ngày 30.09.2022, tổng nợ phải trả của IBC còn 3.190 tỉ đồng. Trong đó nợ vay tài chính chiếm 62% tổng nợ với 1.984 tỉ đồng. Nợ vay tăng cao là một trong những nguyên do khiến mỗi tháng IBC phải dành hơn 13 tỉ đồng cho chi phí lãi vay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn