MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tập kết hàng hoá chui tại Bến xe Nước Ngầm - Mối nguy lây lan dịch bệnh

Nhóm PV LDO | 24/08/2021 16:20
Ông Trịnh Hoài Lam - Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - thừa nhận mỗi ngày chỉ có 5-7 xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá trong bến. Song, điều phóng viên "mắt thấy tai nghe" lại chứng minh ngược lại. 

Không tuân thủ quy định phòng dịch 

Như Báo Lao Động đã phản ánh, mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, song những ngày qua, có hàng trăm xe tải chở hàng hoá tập kết trái phép tại bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không đảm bảo các điều kiện giãn cách và an toàn phòng chống dịch.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương - khẳng định với Lao Động, bến xe Nước Ngầm không được phép bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa trong thời gian chống dịch COVID-19.

This browser does not support the video element.

Bến xe Nước Ngầm tập kết hàng hoá chui.

Trao đổi với Lao Động, ông Trịnh Hoài Lam - Phó Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - thừa nhận, bến xe Nước Ngầm không được tổ chức là nơi tập kết, bốc dỡ hàng hoá. 

“Chỉ có 5-7 xe, cùng lắm là chục xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá trong bến thôi. Họ là những xe khách có hợp đồng với bến từ trước dịch. Sau khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người ta quay ra chở hàng hoá thiết yếu, nhưng số lượng ít lắm” - ông Lam cho hay.

Song, thực tế là mỗi ngày có hàng trăm xe tập kết, bốc dỡ hàng hoá tại bến xe Nước Ngầm. Các xe đều in biển tên nhà xe và dòng chữ “giao nhận hàng”, được xếp thành hàng dài theo lốt. Shipper và người dân cũng đến điểm tập kết này để nhận hàng và gửi hàng như không hề có quy định về giãn cách, hạn chế đi lại.  

Người đến nhận hàng chỉ cần lấy thẻ gửi xe, không có bất kỳ hình thức đảm bảo phòng dịch ở mức tối thiểu như đo thân nhiệt, sát khuẩn, quét mã QR code, khai báo y tế... được tuân thủ. Trong khi, đây lại là khu vực thường xuyên tập trung đông người từ khắp các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 không được kiểm soát.

Xe tải chở hàng ra vào mỗi ngày. Ảnh: H.A 

"Làm giá" cao hơn quy định cả chục lần

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm - khẳng định, hiện nay, có xe của đơn vị vận tải hành khách. Trước đây, họ vẫn nhận chở hàng cho khách thì trong thời điểm giãn cách xã hội, họ xin vào để chuyển hàng. Xe vào đều phải kê khai y tế, đo nhiệt độ, test COVID-19 và có giấy luồng xanh.

Còn chi phí để xe tải chở hàng hoá, theo ông Lập, vẫn được tính như bình thường. Xe tải vào bến ra ngay thì 25.000 đồng, còn xe to thì cao hơn. Trên thực tế, những tài xế để được tập kết hàng hoá tại đây phải bỏ ra số tiền nhiều hơn quy định hàng chục lần.

“Để có được lốt đỗ, mỗi ngày tôi phải trả 300.000 đồng. Ở đây, không lốt nào giống lốt nào. Muốn có lốt thì phải nói chuyện 'làm sân' trước, không phải thích là vào được. Xe tải cỡ lớn giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Khi vào, bảo vệ sẽ hỏi mấy giờ xuất bến, rồi quy định tiền luôn, đi ngày nào đóng tiền ngày đó” - chủ nhà xe T.T (chuyên tuyến Thanh Hoá - Hà Nội) nói, đồng thời nhẩm tính, mỗi ngày bến xe Nước Ngầm thu được hàng trăm triệu đồng từ việc cho nhà xe vào tập kết, bốc dỡ hàng hoá.

Trao đổi với Lao Động, một cán bộ địa chính, trật tự xây đô thị phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, bến xe Nước Ngầm không hoạt động, mà được trưng dụng thành điểm test COVID-19.

Theo đó, Bệnh viện Nam Thăng Long phối hợp với bến xe Nước Ngầm thiết lập điểm test nhanh tại bến nhằm hỗ trợ tài xế xe tải đường dài thực hiện xét nghiệm COVID-19.

Còn việc tập kết hàng hoá và thu phí cao tại đây, vị này khẳng định: "UBND phường sẽ tiếp thu và chỉ đạo kiểm tra, xác minh ngay, để chấn chỉnh và thực hiện đúng theo công tác đảm bảo phòng chống dịch, mọi hình thức vi phạm quy định chống dịch đều bị xử lý".

"Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ"

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội - cho biết, việc các bến xe Hà Nội đóng cửa theo Chỉ thị của TP.Hà Nội được thực hiện nghiêm túc, Sở Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo rất chặt chẽ việc này.

Còn việc bến xe Nước Ngầm không được trưng dụng là nơi tập kết, bốc dỡ hàng hoá, nhưng vẫn thực hiện việc đó thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và xử lý.

Theo ông Liên, bến xe Nước Ngầm gần khu cách ly Tứ Hiệp, là “vùng vàng”, “vùng cam”, vấn đề kiểm soát an toàn phòng chống dịch cần được thực hiện rất nghiêm ngặt và gắt gao.

“Trong bối cảnh cả nước căng mình phòng chống dịch, các cơ quan có thẩm quyền phải rất vất vả để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, thì việc tập kết, bốc dỡ hàng hoá cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Ai cũng phải có trách nhiệm trong phòng chống dịch. Những trường hợp vi phạm, các lực lượng chức năng xử lý nghiêm trường hợp vi phạm” - ông Liên cho hay.

5 địa điểm được bố trí tập kết, trung chuyển hàng hóa tại Hà Nội:

1. Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên).

2. Khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).

3. Ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm).

4. Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông).

5. Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn