MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều chủ tàu 67 lâm vào cảnh có tàu nhưng không dám ra khơi. Ảnh: P.V

Tàu 67 trong guồng quay “mắc cạn”

NGUYỄN TRI LDO | 26/11/2019 09:30

Trong khi nợ xấu cho vay theo Nghị định (NĐ) 67 có xu hướng tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố ven biển thì hiện các doanh nghiệp bảo hiểm cũng báo lỗ nặng và ngừng bán bảo hiểm ở nhiều nơi, khiến ngư dân càng thêm khốn đốn. Hàng loạt chủ thể từ ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân... như đang “đi trên dây”!

Tàu 67 neo bờ “chờ” bảo hiểm

Khoảng 2 - 3 tháng nay, nhiều ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 (NĐ 67) phải neo đậu tại cảng Đề Gi, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vì Công ty Bảo hiểm PJICO, chi nhánh tại Bình Định (PJICO Bình Định) bất ngờ ngừng bán bảo hiểm tàu cá. Không mua được bảo hiểm, đồng nghĩa các tàu này đều bị ngân hàng “trói lại”, không cho ra khơi với lý do nếu xảy ra rủi ro không được đơn vị thứ 3 hỗ trợ.

Mang đơn cầu cứu khắp nơi

Nằm ở cảng cá Đề Gi đã hơn 3 tháng nay, con tàu vỏ thép mang tên Lê Gia 01 (940 CV) chủ tàu Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh) được Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng hơn 18 tỉ đồng, hạ thủy năm 2016. Ra biển được vài chuyến thì hư hỏng, tàu phải nằm bờ chờ khắc phục đến năm 2018 mới đánh bắt ổn định.

Từ 2016 - 2017, ngư dân Thãi mua bảo hiểm của PJICO Bình Định, với số tiền khoảng 18 triệu đồng/năm (được Nhà nước hỗ trợ 90%). Nhưng đến tháng 7.2018, Nhà nước quy định giảm mức hỗ trợ bảo hiểm xuống còn 50% nên ông Thãi phải trả số tiền bảo hiểm lên đến 28 triệu đồng, thời hạn 7.2018 - 7.2019. Đáng nói từ tháng 7 đến nay, PJICO Bình Định bất ngờ ngừng cung cấp, Thãi lại rơi vào tình cảnh bức bách vì có tàu mà không thể ra khơi.

“Đóng được tàu vỏ thép thì ra khơi đánh bắt rất yên tâm, cho năng suất cao hơn trước. Nhưng do công ty đóng tàu làm dối, hư hỏng nên chúng tôi mới sa cơ như bây giờ. Giờ tàu đã được khắc phục nhưng công ty bảo hiểm họ né, không dám bán bảo hiểm vì rủi ro cao…” - ông Thãi ngán ngẩm.

Ở cảng Đề Gi còn có 4 tàu khác cũng đang khốn đốn vì không mua được bảo hiểm đành phải nằm bờ. Ngư dân Thái Văn Duyệt (chủ tàu BĐ 99160 TS) cho hay, đã làm đơn, tờ trình cầu cứu khắp nơi như UBND huyện Phù Cát, UBND tỉnh Bình Định, Ban chỉ đạo NĐ 67 của UBND tỉnh Bình Định, PJICO Bình Định… để mong giúp đỡ, nhưng đến nay vẫn không ai hồi đáp gì. “Mấy tháng này, bão tố liên miên mà tàu lại không mua được bảo hiểm, lỡ gặp sự cố gì thì chẳng biết làm sao. Mới đây, phía ngân hàng họ gửi giấy báo dọa kiện ngư dân nếu không trả lãi và nợ. Không những thế, bây giờ nếu để xảy ra sự cố trên tàu thì ngân hàng họ sẽ quy cho tội phá hoại tài sản, dù đó là tàu mình…” - ngư dân Duyệt thở dài.

Năm nào cũng lỗ

Ở tỉnh Bình Định còn rất nhiều tàu vỏ thép mua bảo hiểm của PJICO Bình Định hiện sắp hết thời hạn và đứng trước nguy cơ không mua lại được bảo hiểm mới. Ông Đào Nam Hải - Tổng Giám đốc Cty Bảo hiểm PJICO cho biết, PJICO đã tham gia NĐ 67 tích cực hơn 4 năm nay. Tuy nhiên, thời gian đó, năm nào công ty cũng lỗ. Trong tháng 7.2019, 4 - 5 con tàu lớn liên tục bị chìm. Các tàu bị chìm một cách bất thường, không rõ nguyên nhân.

Ông Trần Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã liên hệ đến Cty bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh chi nhánh tại Bình Định xem xét, tạo điều kiện cho ngư dân.

“Các công ty bảo hiểm trên cho biết cần phải có thời gian kiểm tra, đánh giá lại tình trạng thực tế. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận bán bảo hiểm, các chủ tàu phải trả đủ số tiền phí bảo hiểm 100% theo quy định…” - ông Châu nói.

Bình Định: Tháo gỡ những vướng mắc khiến các tàu 67 “nằm bờ”

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Châu tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nghị định 67 để giải quyết những vướng mắc về việc các tàu 67 nằm bờ do không có bảo hiểm.

Ông Trần Châu yêu cầu Sở NNPTNT đánh giá toàn diện hiệu quả thực hiện Nghị định 67 trong thời gian vừa qua; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Bộ NPPTNT, Bộ Tài chính để báo cáo, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức hỗ trợ đối với các tàu cá vay vốn, đóng mới theo Nghị định 67 với mức phí 90% kinh phí mua bảo hiểm. Ngoài ra, đề xuất để UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Tổng Công ty Bảo hiểm Pjico sớm có ý kiến về việc bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân tại tỉnh Bình Định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại cho vay theo Nghị định 67 chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương để thu hồi vốn vay của các chủ tàu. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng này xem xét việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ theo thẩm quyền, tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có tàu cá vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa giảm bớt khó khăn. Đối với các trường hợp chủ tàu hoạt động sản xuất có hiệu quả nhưng không trả nợ và lãi vay, ngân hàng có thể khởi kiện tại TAND để giải quyết theo quy định của pháp luật. N.T

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn