MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều tàu cá khai thác ven bờ không thể ra khơi do sản lượng thủy hải sản giảm. Ảnh: Phương Anh

Tàu cá nằm bờ ngư dân sốt ruột, tính chuyện bỏ biển đi làm công nhân

PHƯƠNG ANH LDO | 24/05/2024 13:17

Sóc Trăng - Nguồn lợi thủy hải sản giảm, chi phí xăng dầu, nhân công lại tăng dẫn đến tình trạng nhiều tàu đánh bắt ven bờ rơi vào tình cảnh nằm im lìm tại bến. Đời sống ngư dân ngày càng khó khăn. Có người dự định bỏ tàu, bỏ biển chuyển nghề để mưu sinh.

Hơn 1 tháng nay, tàu cá của anh Nguyễn Minh Luân ở xã Trung Bình (huyện Trần Đề) nằm bờ không thể ra biển để đặt rập ốc. Anh Luân cho biết, sản lượng ốc năm nay không nhiều, kích cỡ lại nhỏ không thể thai thác, nếu có thì cũng rất ít.

“Ghe nhỏ đi biển trong ngày về, không thuê nhân công có khi đủ sống. Còn tàu lớn như mình đi phải 2 - 3 ngày, chi phí 1 chuyến biển khoảng 3 triệu đồng chưa kể tiền bạn tàu. Trong khi mỗi chuyến thu nhập chưa được 2 triệu thì chỉ có lỗ vốn”, anh Luân nói.

Anh Luân cho hay, nhà không có đất ruộng, nghề biển là thu nhập chính nên mấy tháng nay cuộc sống rất eo hẹp.

Anh Trương Bảo Kỳ ở xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) cho hay, thời điểm này là cao điểm khai thác ruốc (te ruốc). Nếu như mọi năm ruốc nhiều, te nửa ngày đã đầy ghe, còn năm nay cả tuần chỉ đi được 1 - 2 ngày, sản lượng khoảng vài trăm kg.

“Hai tuần nay tôi chỉ đi biển được 1, 2 ngày, còn lại tàu nằm bờ. Nhiều khi thấy biển êm muốn ra khơi để kiếm chút ít thu nhập nhưng lại sợ không có đồ (ruốc) nên thôi. Ai đi biển giờ cũng bị tâm lý sợ hết. Tình trạng này kéo dài hoài thì không biết trụ được bao lâu”, anh Kỳ nói.

Anh Kỳ cho hay đang dự định bỏ tàu, bỏ biển để lên Bình Dương làm công nhân.

Ngư dân Sóc Trăng xót vì sản lượng thủy hải sản giảm. Ảnh: Phương Anh

Trong khi đó, vì không có nghề nghiệp, ruộng đất nên ông Trần Văn Điển ở xã Trung Bình (huyện Trần Đề) vẫn cố bám biển mưu sinh. Ông Điển cho biết, do tàu nhỏ, nguồn lợi thủy hải sản giảm, ông không dám thuê bạn tàu vì sợ không đủ tiền trả nên chỉ một mình ông đi biển.

"Hôm nào trúng cũng được 300.000 - 500.000 đồng/ngày. Có hôm cũng chỉ đủ tiền vốn, thậm chí lỗ nặng. Ở gần biển nếu không làm nghề này thì làm gì bây giờ. Dù biết đi là may rủi nhưng vẫn hy vọng xuôi thuyền, thuận nước thuận gió, có nhiều cá tôm", ông Điển nói.

Ông Lý Hoàng Chợ - Chủ tịch Nghiệp đoàn đánh bắt hải sản Mỹ Thanh (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) thông tin: Nghiệp đoàn có 82 phương tiện khai thác ven bờ với các hình thức như te ruốc, đóng đáy. Vì cuộc sống, các ngư dân vẫn duy trì việc đánh bắt, dù thu nhập sau chuyến đi không cao, có khi hòa vốn, thậm chí thua lỗ.

“Nghề biển phải thường xuyên đối mặt với khó khăn, chỉ mong giá dầu điều chỉnh hợp lý, giá nhu yếu phẩm, ngư cụ bình ổn, hải sản được mùa trúng giá thì ngư dân mới an tâm bám nghề. Hiện nay một số hộ đã bỏ ghe lên bờ tìm công việc khác”, ông Chợ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn