MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ ngày không có tàu đi biển, ông Liên phải nhận đan lưới thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống và trả lãi ngân hàng. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Tàu tiền tỉ nằm bờ, ngư dân vá lưới thuê kiếm ăn từng bữa

LAM PHƯƠNG LDO | 02/09/2017 20:00
Xã biển Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mấy ngày nay xôn xao chuyện ông Trần Văn Liên (54 tuổi) đã thắng trong vụ kiện Cty đóng tàu vỏ thép vì con tàu vừa xuống nước đã hỏng máy. Tòa tuyên ông Liên thắng kiện đòi 2,8 tỉ đồng, nhưng chưa biết khi nào ông mới lấy được tiền, đi biển. Hôm nay, lưới đi biển giăng khắp từ trong nhà ra tận ngoài sân để hai vợ chồng ông đan, vá thuê kiếm cơm bữa...

Cùng đường mới phải kiện

Là một ngư dân gắn bó với nghề biển từ những năm 16, 17 tuổi nên ông Liên không xa được biển. Trước đây ông đi tàu gỗ, thấy nhiều người đi tàu lớn đánh bắt thuận tiện nên ông nuôi ao ước có con tàu kiên cố để vươn khơi. Khi Nghị định 67 Chính phủ ban hành, như “cá gặp nước”, ông liền làm hồ sơ xin vay vốn, đóng tàu vỏ thép.

Đầu năm 2015, vì thấy Cty CP đóng tàu Bảo Duy (Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng) gần nhà nên ông quyết định chọn gửi gắm con tàu. Ông gom góp tiền, vay mượn người thân dồn với số tiền bán tàu cũ được 850 triệu, làm thủ tục vay ngân hàng để có tiền đóng tàu. Phần máy tàu do Cty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cung cấp.

Tháng 9.2015, con tàu vỏ thép của ông được khởi đóng, theo kế hoạch, 30.4.2016 thì bàn giao. Tàu được khởi đóng, ông đi tìm thuê tài công, ký hợp đồng với bạn thuyền, đợi ngày vươn khơi bám biển.

Chưa kịp mừng thì trong đêm 29.3.2016, con tàu bị hỏng máy ngay lần đầu xuống nước. “Đêm đó, phía Cty Bảo Duy gọi điện bảo tôi ra chạy thử tàu để sáng hôm sau chạy thử đường dài. Linh tính mách bảo đây là tài sản nhà nước chưa bàn giao, mà lại không có mặt bộ phận kỹ thuật của Cty Liên Á nên tôi không dám chạy. Khi đó, Cty Bảo Duy cho tài công họ thuê điều khiển cho tàu chạy qua cầu Mân Quang (Sơn Trà). Không ngờ, sau lần chạy thử đầu tiên đó, con tàu bị vỡ lốc máy, chảy luyn, hỏng máy buộc phải nằm bờ” - ông Liên nhớ lại.

Sau khi xảy ra sự cố, hai bên Cty và ông ngồi lại thương lượng mười mấy cuộc nhưng bất thành. Cả hai công ty đùn đẩy, chối bỏ trách nhiệm, chậm khắc phục khiến cuộc sống gia đình ông Liên gặp khó khăn vì nợ nần chồng chất.

Ông phải vay ngân hàng 450 triệu để thanh toán hợp đồng cho 10 công nhân đã ký. Trong 10 công nhân đó, có 6 công nhân phải thanh lý hợp đồng 3 tháng với số tiền 6 triệu/người/tháng. Bốn người còn lại gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng và bạn tàu phải chi trả đầy đủ 12 tháng theo hợp đồng với số tiền 7 triệu/người/tháng. Nhiều bạn tàu thấy tình cảnh khốn khó của ông Liên nên cũng thông cảm, không hối thúc tiền nong.

“Bị dồn vô thế cuối tôi mới phải thưa kiện chứ không hề muốn chút nào. Tàu tôi đóng ra đi biển làm ăn mà giờ đụng vô kiện tụng, trả đi trả lại lằng nhằng tôi thấy bất mãn vô cùng. Làm ăn trên mặt nước khó lắm chứ không phải như trên bờ, kiện tụng thế này còn gì tâm linh nữa. Giờ mà trả được, tôi cũng muốn trả lại quách cho xong, chẳng còn tâm trí làm ăn gì nữa.” - ông Liên buồn rầu nói.

“Chỉ mong có tàu đi làm để trả nợ”

Hơn hai năm nay, tàu cũ không còn, tàu mới hư hỏng nên ông Liên chỉ còn biết đi làm thuê kiếm ngày vài đồng cho chi phí sinh hoạt trong gia đình. Số nợ 450 triệu của ngân hàng mỗi tháng phải đóng tiền lãi gần 3 triệu đồng khiến gia đình ông khốn đốn.

Không có tàu, ông Liên và vợ đành nhận đan lưới thuê kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và trả lãi ngân hàng. Vừa móc lưới ông Liên hướng đôi mắt ra phía biển, nói: “Dạo này thấy người ta đi biển trúng quá mà mình không có tàu đành chịu. Không đi biển được mà phải ngồi nhà móc lưới thế này tôi thấy chán nản vô cùng. Tôi gặp xui xẻo thế nào chứ bao nhiêu tàu bạn ra khơi đánh bắt ầm ầm có làm sao đâu”.

“Giờ gia đình tôi không biết lấy tiền đâu ra xoay sở. Còn miếng đất định cho thằng út khi nó cưới vợ mà cũng định bán lấy tiền trả bớt nợ nần chứ nợ nhiều quá, đêm không ngủ được” - vợ ông Liên rầu rĩ.

“Chỉ mong sao phía bên kia (Cty Bảo Duy) không kháng cáo, kiện tụng gì nữa để tôi sớm có tiền sửa chữa con tàu để đi biển kiếm tiền trả nợ chứ cứ nợ nần hoài như ngồi trên đống lửa, ăn ngủ không yên. Con cả tôi góp vô tàu mấy trăm triệu để làm ăn mà giờ tàu không suôn sẻ nên nó đang muốn rút ra góp chỗ khác mà tôi đâu còn tiền đưa nó” - ông Liên tâm sự.

Chiều 30.8, TAND TP.Tam Kỳ xét xử vụ tàu vỏ thép vừa xuống nước đã hỏng máy và tuyên buộc Cty đóng tàu Bảo Duy phải bồi thường số tiền 2,8 tỉ đồng để ông Liên thay mới máy vì đã tự ý vận hành tàu không đúng quy trình dẫn đến hư hỏng. Trong khi chờ đợi phán quyết được thực hiện, ông Liên và vợ vẫn ngày đêm cặm cụi đan lưới thuê và gánh trên vai số nợ khổng lồ…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn