MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàu vỏ thép nằm bờ: Cty Nam Triệu hoàn thành phương án hỗ trợ cuối tháng 1.2018

Xuân Nhàn LDO | 19/12/2017 12:24
Đó là nội dung văn bản 699/CV-NT do Thượng tá Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, Bộ Công an) ký gửi Sở NNPTNT Bình Định ngày 18.12.

Lãnh đạo Cty Nam Triệu cho biết đã báo cáo Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật về yêu cầu đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân do Sở NNPTNT Bình Định tổng hợp tại công văn 4635/SNN-TS để “xin chủ trương”.

Đồng thời với việc rà soát, thống kê các khoản đã bồi thường, hỗ trợ, Nam Triệu còn thông báo đang tiến hành “xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết giải quyết hỗ trợ cho ngư dân đảm bảo có tình, có lý, đúng quy định và trên cơ sở hợp đồng kinh tế đã ký kết, dự kiến hoàn thành cuối tháng 1.2018”.

Về tiến độ sửa chữa nhóm tàu bị hư hỏng, văn bản 699/CV-NT tóm tắt: Tại Nhà máy đóng tàu Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), đã hoàn thành, bàn giao 9 chiếc của Nguyễn Ảnh, Trần Kim Trung, Mai Trường, Nguyễn Công Đồng, Lê Hoài Thanh, Phan Lùn, Lê Ngô Hát, Nguyễn Công Quí, Phạm Minh Vương; 2 chiếc còn lại của Thái Văn Duyệt, Trần Đình Sơn, do ngư dân muốn “chọn ngày tốt” nên dự kiến hạ thủy ngày 23 – 24.12.

Ở Nhà máy đóng tàu Cam Ranh (Khánh Hòa), nơi tàu các ông Trần Văn Hạo, Trương Hoài Khánh, Đinh Công Khánh, Lê Văn Thãi được đưa sửa chữa, kế hoạch hạ thủy dự kiến từ 24 – 30.12. Đây là 4 tàu lưới vây thay máy “giả mạo” bằng động cơ chính hãng Mitsubishi S6R2 MPTK 940HP. Số máy này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, sẵn sàng cho việc lắp đặt.

Về lý do chậm tiến độ, Cty Nam Triệu giải thích do máy chính hỏng, tàu đến Cam Ranh chậm; do mất thời gian đáp ứng thủ tục đảm bảo an toàn cháy nổ; do thủ tục pháp lý ký chuyển tiền chậm và do mưa nhiều, do ảnh hưởng bão số 12.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, từ kết quả làm việc với 2 cơ sở đóng tàu và báo cáo của UBND các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, TP.Quy Nhơn, Sở NNPTNT đã tổng hợp con số đền bù, hỗ trợ 45,6 tỉ đồng cho 19 chủ tàu. Phần Nam Triệu hơn 36,5 tỉ đồng cho 14 chủ tàu, còn lại là của Cty TNHH Đại Nguyên Dương.

Đề xuất đền bù, hỗ trợ được tính trên nhiều khoản: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị, ngư lưới cụ bị hư hỏng; lỗ tổn phí, thuê thuyền viên do tàu hư hỏng khai thác không hiệu quả; thuê tàu lai dắt do bị hư hỏng trên biển; bị hư hỏng thủy sản; chi sinh hoạt gia đình, trả phí neo đậu trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa; chi phí nhiên liệu đưa tàu đến nơi sửa chữa; tổn thất lợi nhuận do tàu nằm bờ không khai thác được; nợ gốc, lãi ngân hàng...

Như vậy, phản hồi từ 2 doanh nghiệp đóng tàu đã đến Bình Định bằng công văn chính thức. Khác Nam Triệu, Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã thẳng thừng từ chối bồi thường. Về động thái trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu bày tỏ quan điểm: “Như thế là không chấp nhận được”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn