MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị "Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững". Ảnh: Vũ Long

"Tẩy trắng hồ sơ" nhập lậu gia súc, gia cầm vào nội địa

Vũ Long LDO | 17/10/2023 18:22

Vấn nạn buôn lậu gia súc, gia cầm sau một thời gian tạm lắng thì nay rầm rộ trở lại. Đặc biệt có dấu hiệu vi phạm của cơ quan chức năng.

Nhức nhối nạn buôn lậu gia súc, gia cầm

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, ước tính lượng gà sống nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới lên tới 200.000 - 250.000 tấn/năm; mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta.

Tập hợp thông tin từ điều tra của các báo: Lao Động, Thanh niên, Nông nghiệp Việt Nam và một số báo, đài cho thấy, từ tháng 6-8, giá lợn hơi trong nước bình quân khoảng 58.000-65.000 đồng/kg và có sự chênh lệch khá lớn với giá lợn hơi của các nước láng giềng, hoạt động vận chuyển trái phép lợn từ Campuchia về Việt Nam diễn ra rất phức tạp.

Lực lượng chức năng bắt giữ lượng gia cầm nhập lậu. Ảnh: Phúc Phúc

Tại tỉnh Long An, có những đêm hàng nghìn con lợn thịt được vận chuyển bằng sà lan qua kênh Cái Cỏ (có chiều rộng chỉ khoảng 10m) tại địa bàn huyện Tân Hưng. Những con lợn này sau đó được đưa về một số trang trại chăn nuôi vùng giáp biên giữa 2 nước để “tẩy trắng hồ sơ” nguồn gốc xuất xứ trước khi đưa vào sâu trong nội địa, tới các lò mổ, qua mặt lực lượng chức năng.

Thậm chí, có đầu nậu còn cung cấp cả chất cấm sabultamol để các trang trại cho lợn ăn kèm để tạo nạc. Ngoài lợn thịt, các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, gà cũng được đưa sang Việt Nam qua lối này với số lượng không nhỏ.

Chiều 17.10, phát biểu tại hội nghị "Ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) tổ chức, đại diện Cục Thú y cho biết, thời gian gần đây lại xuất hiện trở lại, nhất là việc nhập lậu trâu, bò từ Campuchia vào Việt Nam.

"Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là tại các địa bàn biên giới với Lào, Campuchia, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục", ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho hay.

Cũng theo Cục Thú y, đối với giống gia cầm (gà, vịt) nhập lậu, qua nắm bắt thông tin, từ tháng 8, cơ quan báo chí đã theo nhiều mũi để thâm nhập, bóc gỡ các đường dây vận chuyển gà, vịt nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Gà giống lậu được đưa vào Việt Nam cả đường bộ thông qua các đường mòn, lối mở ở biên giới phía Bắc và đường biển. Số lượng vận chuyển mỗi chuyến hàng lên tới cả vạn con.

Rất nhiều chủ buôn gà, vịt lậu đều khẳng định đó là con giống nhập lậu, không có giấy kiểm dịch, không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không kiểm định chất lượng và không được tiêm vaccine.

Ngoài bán gà mới nở, các đầu nậu ở một số địa phương trong nội địa còn thuê các trang trại nuôi gột gà nhập lậu để đạt biểu cân khoảng 1,8 đến 2 lạng rồi đem bán.

Sự tắc trách của một số địa phương

Theo Cục Thú y, việc thực hiện kiểm soát vận chuyển, mua bán giống gia cầm tại các tỉnh, thành nội địa còn tồn tại nhiều bất cập, thậm chí là có dấu hiệu buông lỏng quản lý, nhất là hoạt động của chốt kiểm dịch động vật liên ngành.

Video mà phóng viên cung cấp cho thấy, cảnh xe chở gà không có giấy kiểm dịch xuất phát từ huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương có thể "vô tư" đi qua các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội để vào chợ Đại Xuyên buôn bán mà không hề bị lực lượng chức năng dừng xe kiểm tra.

Thậm chí, có đối tượng đầu nậu vận chuyển gia cầm giống, hầu như ngày nào cũng đi qua chốt kiểm soát liên ngành, nhưng lực lượng chức năng không phát hiện và ngăn chặn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn