MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc từ bỏ phân khúc và sản phẩm rủi ro cao giúp Techcombank cải thiện nợ xấu và gia tăng lợi nhuận. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Techcombank và bước tiến vượt bậc sau 4 năm chuyển đổi

Cẩm Hà LDO | 01/11/2019 13:20

Không chỉ gây bất ngờ với con số lợi nhuận đạt kỷ lục sau 9 tháng năm 2019, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng vươn lên vị trí dẫn đầu hệ thống ngân hàng về mức độ hiệu quả ngay từ năm thứ 4 trong lộ trình thực hiện chuyển đổi 5 năm (2016 - 2020). 

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Techcombank công bố ghi nhận mức lợi nhuận kỉ lục gần 9.000 tỉ đồng sau 9 tháng đầu năm. Con số này tương đương mức tăng 14% so với cùng kỳ và đưa Techcombank lên vị trí thứ ba trong nhóm các ngân hàng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận trước thuế, chỉ sau hai ngân hàng quốc doanh có quy mô tài sản thuộc nhóm lớn nhất hệ thống là Vietcombank và Agribank. Song với quy mô tổng tài sản mới đứng ở vị trí thứ 6, con số lợi nhuận trên đây đưa Techcombank lên vị trí dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam về mức độ hiệu quả kinh doanh.

Giám đốc Khối bán hàng và Kênh phân phối của Techcombank - ông Phùng Quang Hưng - phân tích, ngoài mảng SME, tăng trưởng nguồn thu đến từ mảng bán lẻ vẫn được ngân hàng duy trì thông qua các dịch vụ cốt lõi đóng góp quan trọng vào vị trí dẫn đầu của Techcombank về hiệu quả kinh doanh. Trong đó ngân hàng nhắm đến việc gia tăng lợi nhuận thông qua việc tập trung chiến lược danh mục cho vay vào đúng phân khúc và sản phẩm, thể hiện rất rõ qua việc từ bỏ các sản phẩm cho vay có rủi ro cao như tiêu dùng tín chấp hay cho vay thế chấp bất động sản và chuyển sang cho vay mua nhà để ở và mua ôtô cho phân khúc khách hàng có thu nhập khá - cao.

Việc từ bỏ phân khúc và sản phẩm rủi ro cao để tập trung vào phân phúc khách hàng trọng tâm là bước đi đúng đắn giúp Techcombank cải thiện nợ xấu và gia tăng lợi nhuận trong những năm gần đây. Cụ thể trong khi cho vay khách hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm là yếu tố trực tiếp làm gia tăng khoản thu nhập lãi thuần gần 24% so với cùng kỳ, lên 10.105 tỉ đồng; chất lượng tài sản lành mạnh cũng khiến chi phí dự phòng của Techcombank giảm tới 66%, từ con số 1.787 tỉ đồng của kỳ trước xuống còn 605 tỉ đồng trong kỳ này. “Chỉ riêng nợ xấu từ cho vay mua nhà để ở năm 2019 cũng giảm xuống chỉ còn 0,7% từ mức 1,9% trong năm 2015 trong khi biên lợi nhuận từ cho vay được duy trì ở mức 2,7%” - ông Phùng Quang Hưng chia sẻ.

Con số lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc trong 9 tháng đầu năm chưa hẳn là dấu ấn nổi bật nhất trong lộ trình chuyển đổi của Techcombank. Chỉ số sức khỏe doanh nghiệp (OHI) của Techcombank tăng lên 88, từ mức 75 của năm 2015 và lọt vào top 25% ngân hàng dẫn đầu Đông Nam Á cũng như việc Kom Ferry đánh giá Techcombank có chỉ số mức độ gắn kết nhân viên (EES) ở mức 74 so với con số 50 của năm 2015 là hai chỉ số nền tảng quan trọng cho thấy thêm những bước tiến vượt bậc của nhà băng này sau 4 năm thực hiện lộ trình chuyển đổi 2016 - 2020.

“Hai chỉ số trên gia tăng vượt bậc cũng như kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm cho thấy ngân hàng đang trên đà hoàn thành mục tiêu của năm thứ 4 liên tiếp và tới gần hơn mục tiêu của lộ trình 5 năm chuyển đổi” - bà Trần Thị Minh Lan - Giám đốc Khối chiến lược của Techcombank - nhìn nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn