MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống nhà xưởng quy mô hàng nghìn m2 của Công ty Hưng Thịnh chưa được giao đất, chưa đủ pháp lý nhưng đã hình thành và đi vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Tùng.

Thái Nguyên: Bất ngờ với kết quả kinh doanh của Công ty Hưng Thịnh

Thanh Giang LDO | 11/07/2023 12:18

Kết thúc năm 2022, doanh thu Công ty Hưng Thịnh đạt 170 tỉ đồng, cao gấp 2,4 lần so với năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp của bà Phạm Thị Bích Thuỷ tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 500 triệu đồng.

Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về việc khu vực chế biến gỗ của Công ty TNHH Lâm sản Hưng Thịnh còn có tên khác là Công ty TNHH PT&TMĐT Hưng Thịnh (gọi tắt là Công ty Hưng Thịnh) tại xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh (Phú Lương, Thái Nguyên) bị người dân tố gây ô nhiễm tiếng ồn, khói và mùi khét ra khu dân cư, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục hộ dân.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty Hưng Thịnh được bà Phạm Thị Bích Thuỷ (SN 1969) thành lập ngày 18.10.2018 với vốn điều lệ 5 tỉ đồng. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là “Sản xuất sản phẩm khác từ gỗ; Sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm, rạ, và vật liệu tết bện.

Đến tháng 11.2020, Công ty Hưng Thịnh nâng vốn điều lệ từ 5 tỉ đồng lên 9,8 tỉ đồng. Bà Phạm Thị Bích Thuỷ được công bố đảm nhiệm chức vụ giám đốc kiêm người đại diện pháp luật doanh nghiệp.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản Công ty Hưng Thịnh đạt xấp xỉ 23 tỉ đồng, giảm 5 tỉ đồng sau 12 tháng. Trong kì, danh mục phải thu khách hàng giảm mạnh từ gần 19 tỉ đồng về còn gần 6 tỉ đồng; hàng tồn kho của Công ty Hưng Thịnh còn gần 500 triệu đồng; tiền mặt còn 145 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng gần 225 triệu đồng.

Kết thúc năm 2022, nợ phải trả Công ty Hưng Thịnh giảm từ 18 tỉ đồng về khoảng 14 tỉ đồng. Đáng chú ý khi công ty của bà Phạm Thị Bích Thuỷ không ghi nhận nợ vay tài chính. Được biết, trong năm, Công ty Hưng Thịnh đã thu xếp được 2,4 tỉ đồng tiền trả nợ gốc vay và nợ thuê tài chính.

Trước đó, thông tin giao dịch đảm bảo cho thấy, tháng 9.2021, Công ty Hưng Thịnh đã đưa Quyền tài sản và lợi ích của Công ty TNHH PT & TMĐT Hưng Thịnh theo/phát sinh từ các Hợp đồng kinh tế/ Hợp đồng mua bán ký giữa Công ty TNHH PT & TMĐT Hưng Thịnh và các đối tác về việc mua bán ván bóc và các sản phẩm từ gỗ khác để thế chấp tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Thái Nguyên.

Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Công ty Hưng Thịnh là doanh thu năm 2022 tăng hơn 2,4 lần so với năm trước đó.

Cụ thể, doanh thu Công ty Hưng Thịnh trong năm 2022 đạt 170 tỉ đồng, tương ứng cao gấp 2,4 lần so với năm 2021 (69 tỉ đồng). Trong đó, nguồn thu chủ yếu của doanh nghiệp đến từ bán hàng hoá với 122 tỉ đồng, doanh thu bán thành phẩm 48 tỉ đồng và doanh thu cung cấp dịch vụ hơn 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lên đến 167 tỉ đồng, chiếm gần như toàn bộ doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của Công ty Hưng Thịnh chỉ đạt hơn 3 tỉ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý kinh doanh tăng mạnh từ 640 triệu đồng lên gần 3 tỉ đồng.

Kết quả, kết thúc năm 2022, Công ty Hưng Thịnh báo lỗ sau thuế hơn 590 triệu đồng. Trước đó, trong năm 2021, doanh nghiệp này cũng lỗ hơn 500 triệu đồng.

Lỗ liên tiếp 2 năm gần nhất, nên tính đến ngày 31.12.2022, Công ty Hưng Thịnh đang gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 700 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dữ liệu riêng lẻ Công ty Hưng Thịnh cũng cho thấy, dù doanh thu tăng mạnh hơn trăm tỉ đồng, thế nhưng số thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đóng trong năm 2022 khá khiêm tốn, ở mức hơn 36 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn