MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tham gia đa cấp mà không bán hàng là hoạt động bất chính

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 14/07/2020 19:23

Theo giới chuyên môn về lĩnh vực bán hàng đa cấp, thời gian qua xuất hiện nhiều hoạt động biến tướng đa cấp như đa cấp “tiền ảo”, "đa cấp" bất động sản,… Những hình thức đa cấp biến tướng này khiến người tham gia chịu thiệt hại và gây mất an toàn trật tự xã hội.

Biến tướng đa cấp để hoạt động bất chính

Theo đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, thời gian vừa qua dư luận rất bức xúc về tình trạng một số tổ chức hoạt động núp bóng phương thức đa cấp, chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nổi cộm như dự án bất động sản ALIBABA năm 2019, dự án “OWIFI” huy động vốn với lãi suất lên đến 72%/năm thông qua hình thức trả thưởng...

Luật sư Võ Đan Mạch - Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, các tổ chức đa cấp trá hình đã đánh vào sự thiếu hiểu biết, lòng tham và mong muốn làm giàu nhanh của những người tham gia.

“Tham gia bán hàng đa cấp mà không bán hàng là mang yếu tố bất chính. Khi tham gia vào công ty đa cấp mà trong 3-4 ngày đầu tiên họ không yêu cầu bán hàng thì chứng tỏ là có vấn đề. Bởi lẽ thu nhập từ hoạt động đa cấp chỉ đến từ việc bán và phân phối hàng hóa”- luật sư Võ Đan Mạch cho biết.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương). Ảnh: HỮU HUY

Tại buổi tọa đàm “Nhận diện đa cấp bất chính” diễn ra chiều 14.7, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết những năm vừa qua, một số đối tượng lợi dụng mô hình đa cấp để hoạt động bất chính, gây thiệt hại cho người dân, gây bức xúc cho xã hội.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chỉ được kinh doanh đối với mặt hàng hàng hóa, phải đăng ký hợp pháp với Bộ Công thương và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động. 

Các hoạt động kinh doanh đa cấp bị cấm bao gồm: dịch vụ, hàng hóa nhưng không có giấy chứng nhận do Bộ Công Thương cấp; các hình thức lợi dụng mô hình đa cấp khác không phải là mua bán hàng hóa như tiền ảo, huy động vốn dự án, thương mại điện tử…

Đa cấp bất chính có 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; Sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.

“Trái lại, những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp bị cấm yêu cầu người tham gia mua hàng, đặt cọc, nộp tiền mới tham gia; trả hoa hồng cho việc tuyển dụng; Thông tin gian dối về hoa hồng tiền thưởng, sản phẩm; Duy trì nhiều hơn 1 mã số đối với 1 người tham gia; Từ chối quyền lợi của người tham gia; Mua bán, chuyển giao mạng lưới người tham gia; Tổ chức các trung gian thương mại phục vụ cho việc duy trì, mở rộng, phát triển mạng lưới”- ông Trịnh Anh Tuấn thông tin.

Nhận diện đa cấp bất chính

Luật sư Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam. Ảnh: HỮU HUY

Luật sư Võ Đan Mạch, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, các đối tượng bất chính đã sử dụng những website để bán hàng, huy động vốn, sàn tài chính ảo và phần lớn đặt máy chủ ở nước ngoài, do tổ chức nước ngoài quản lý và các bị hại là 100% người dân Việt Nam.

Từ những vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đề xuất cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng cần lập ra một kênh truyền thông đặc thù và tạo đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện ra các cá nhân, tổ chức lừa đảo theo hình thức núp bóng đa cấp.

Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đề xuất các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp bất chính, lợi dụng đa cấp nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn