MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỏ than lộ thiên của Công ty Than Núi Béo dừng khai thác từ năm 2021. Ảnh: Báo Lao Động

Than Núi Béo: Một năm, khoản nợ người lao động vọt tăng 133%

Quang Dân LDO | 08/04/2023 18:12
Kết thúc năm 2022, nợ phải trả tại Than Núi Béo còn 2.884 tỉ đồng, chiếm 86% tổng nguồn vốn và gấp 5,9 lần so với vốn chủ sở hữu. Ngoài vấn đề nợ thuế và các khoản nhà nước phình to, khả năng thanh toán ngắn hạn của NBC cũng được đặt dấu hỏi khi nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, trong khi đó tiền mặt còn 100 triệu đồng.

Nợ gấp gần 6 lần vốn chủ sở hữu

Như Lao động đã thông tin, kết thúc năm 2022, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin (HNX: NBC) đạt 3.611 tỉ đồng, tăng 35%, lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỉ đồng, tăng 4%, tương ứng với 2 tỉ đồng so với năm trước đó.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của Than Núi Béo đạt hơn 3.373 tỉ đồng, giảm 4% sau 12 tháng. Trong đó, tiền mặt tại Than Núi Béo chỉ còn hơn 100 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn còn 1,7 tỉ đồng. Trong khi lượng tiền tại Than Núi Béo “teo tóp”, doanh nghiệp cũng đang đối diện với nhiều áp lực từ nợ phải trả.

Nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu tại Than Núi Béo. Ảnh: Chụp màn hình. 

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Than Núi Béo còn 2.884 tỉ đồng, chiếm đến 86% tổng nguồn vốn (3.373 tỉ đồng). Chưa kể, với vốn chủ sở hữu ở mức 489 tỉ đồng, hệ số D/E (hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu) đạt gần 5,9.

Theo các định chế tài chính, thông thường, nếu hệ số D/E lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ. Ngược lại, tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.

Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn, doanh nghiệp theo đó ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỉ lệ này càng lớn, khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn. Trong trường hợp Than Núi Béo, với hệ số D/E lên đến gần 5,9, cho thấy doanh nghiệp này đang sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao trong vận hành kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế, những rủi ro về mặt tài chính của Than Núi Béo thể hiện rõ hơn nhiều trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022.

Nợ thuế phình to, khả năng trả nợ yếu

Tại ngày 31.12.2022, tài sản ngắn hạn của Than Núi Béo đạt 1.216 tỉ đồng. Đáng chú ý, trong bối cảnh tiền mặt còn 100 triệu đồng và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chưa đến 2 tỉ đồng, nợ ngắn hạn của Than Núi Béo lại lên đến 2.030 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với hệ số thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) là 0,59.

Theo lý thuyết tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.

Nợ thuế và nợ nhà nước tại Than Núi Béo tăng mạnh trong năm qua. Ảnh: Chụp màn hình

Trong cơ cấu nợ ngắn hạn của Than Núi Béo, số dư chủ yếu là nợ vay tài chính ngắn hạn với 1.089 tỉ đồng, tăng 9% sau 12 tháng. Các chủ nợ lớn nhất của Than Núi Béo đang là Vietinbank (216 tỉ đồng), Vietcombank (368 tỉ đồng) và MB Bank (51 tỉ đồng). Phần còn lại 455 tỉ đồng là các khoản vay và nợ dài hạn đến hạn trả.

Ngoài ra, thuế và các khoản phải nộp nhà nước cũng phình to từ 61 tỉ đồng lên 145 tỉ đồng. Chiếm phần lớn là nợ thuế tài nguyên với 71 tỉ đồng, thuế giá trị gia tăng 38 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 28 tỉ đồng.

Đáng chú ý, chỉ mục phải trả người lao động của Than Núi Béo cũng có chiều hướng tăng nhanh. Kết thúc năm 2021, khoản mục phải trả người lao động tại công ty là 73 tỉ đồng. Nhưng 1 năm sau, tính đến cuối năm 2022, nợ người lao động của Than Núi Béo đã vọt lên đến 170 tỉ đồng, tương đương 233% và tăng 133% so với năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn