MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm người lao động hoang mang lo lắng cho sự thay đổi đột ngột. Ảnh: X.H

Thanh Hóa: Đột ngột cấm hơn 400 xe điện, cả nghìn lao động nghèo "mất ăn mất ngủ"

XUÂN HÙNG LDO | 08/08/2018 07:30

Các đơn vị “cai thầu” xe điện ở đây thông báo, ai muốn tiếp tục giữ “lốt” phải nộp số tiền ban đầu khoảng 270 triệu đồng để mua xe mới; và bắt buộc phải thông qua họ chứ không được tự ý mua xe. Được biết, hầu hết những người làm nghề lái xe điện phục vụ du lịch đều có hoàn cảnh khó khăn.

Thiếu hồ sơ, giấy tờ để đăng kiểm...

Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đề án đầu tư xe ôtô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn lúc bấy giờ. Ngày 22.6.2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn số 4565/VPCP-KTN cho phép thực hiện đề án trên, thời gian thí điểm là 2 năm.

Trong 2 năm, từ 2012- 2014, hơn 400 xe điện đã được đưa vào sử dụng ở Sầm Sơn. Theo báo cáo ngày 17.1.2018 của Bộ GTVT gửi Thủ tướng thì trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, số 431 phương tiện đang hoạt động hầu như được đầu tư từ trước Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31.12.2014 và Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4.4.2014. Do được đưa vào sử dụng trước khi có các thông tư trên nên hầu như tất cả 431 xe điện ở Sầm Sơn thiếu các thành phần hồ sơ, giấy tờ để thực hiện đăng kiểm và đăng ký phương tiện. Lâu nay, số xe điện này được Công an thị xã Sầm Sơn cấp biển số tạm để quản lý.

Ngày 2.7.2018, trả lời Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá) về việc loại hình xe điện hoạt động trên địa bàn TP.Sầm Sơn, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng trong thời gian thí điểm, hệ thống văn bản pháp luật để quản lý loại hình này chưa đầy đủ, chủ yếu mang tính chất tạm thời và giao cho UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, quyết định số lượng phương tiện được phép thí điểm cũng như phạm vi tuyến đường hoạt động trên địa bàn TP.Sầm Sơn nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Ngày 9.3.2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ra Quyết định 06/2018/QĐ-UBND có nội dung: Đối với 431 xe điện hoạt động trước ngày Thông tư 86 có hiệu lực mà không đủ điều kiện đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm định kỳ theo quy định thì sau ngày 31.12.2019 không được phép hoạt động.

Theo cơ quan đăng kiểm, những xe trên không đủ điều kiện đăng kiểm vì không đáp ứng một số tiêu chí theo Thông tư 86.

Phải nộp cho “cai thầu” 270 triệu đồng để mua xe mới

Quy định này của UBND tỉnh Thanh Hoá khiến tất cả các hộ dân đang vận hành xe điện thí điểm trên địa bàn Sầm Sơn hoang mang, lo lắng.

Theo họ, xe của họ được trang bị trước khi Thông tư 86 được ban hành (tháng 12.2014) và Chính phủ còn chưa tổng kết thí điểm, vậy tại sao nay lại phải chịu sự điều chỉnh của thông tư này?

Họ cho rằng, hiện nay, với những xe được mua trước năm 2014 cần kiểm tra và chỉ thay những xe quá cũ, không còn an toàn khi hoạt động. Đa số xe mua trước 2014 hiện nay vẫn hoạt động bình thường, an toàn với du khách và hiệu quả thì chỉ cần yêu cầu điều chỉnh, cải tiến một số bộ phận.

“Việc thay thế xe điện ở Sầm Sơn cần có lộ trình lâu dài nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ chứ không thể làm đột ngột như thế này được” - anh Nguyễn Hồng Thanh (Trung Sơn) nói.

Cùng lúc đó, các đơn vị “cai thầu” xe điện ở đây thông báo, ai muốn tiếp tục giữ “lốt” phải nộp số tiền ban đầu khoảng 270 triệu đồng để mua xe mới; và bắt buộc phải thông qua họ chứ không được tự ý mua xe. Hầu hết những người làm nghề lái xe điện phục vụ du lịch đều có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn - cho hay, có biết những khó khăn của NLĐ và sẽ đề xuất cấp trên xem xét hỗ trợ người dân. Ông Ngô Hoàng Kỳ - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá - cho rằng, đây là vấn đề lịch sử, cần có lộ trình thay thế, chính sách hỗ trợ người dân hợp tình hợp lý chứ thay đổi đột ngột sẽ rất khó khăn cho người dân, nhất là khi đó là hoạt động sinh kế chính của họ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn