MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh khoản căng thẳng đang khiến lãi suất huy động tăng cao?

Lam Duy LDO | 03/09/2019 17:26
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bơm ròng hàng chục nghìn tỉ đồng trong một tuần vào thời điểm lãi suất huy động tăng vọt trên thị trường ngân hàng gây nhiều chú ý.

Các số liệu phân tích thị trường vừa được chứng khoán BVSC công bố cho thấy, các dấu hiệu căng thẳng về thanh khoản của hệ thống ngân hàng bắt đầu xuất hiện rõ nét trong 2 tuần cuối của tháng 8.

Một trong những dấu hiệu căng thẳng thể hiện rõ nét khi lãi suất liên ngân hàng có thời điểm tăng lên mức 4,8-5% trước khi hạ nhiệt về quanh mức phổ biến 3,5% trong những phiên cuối tháng.

Theo đánh giá của nhóm phân tích BVSC, việc thanh khoản hệ thống căng thẳng có thể xuất phát từ yếu tố mang tính thời điểm (dịp nghỉ lễ 2.9) cũng như khả năng thay đổi về nguồn vốn Kho bạc Nhà nước gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại trong thời gian tới.

Trước tình trạng căng thẳng nói trên và nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã dừng hoạt động phát hành tín phiếu để hút tiền về, đồng thời thực hiện bơm ròng vốn qua kênh thị trường mở trong một vài phiên. 

Yếu tố này khiến số dư tín phiếu lưu hành vào thời điểm cuối tháng 8 đã về mức 0 (thay vì mức phổ biến 60-70 nghìn tỉ đồng các tháng trước đây).

Đáng chú ý, chỉ riêng trong tuần đến ngày 23.8, NHNN thực hiện bơm ròng tới gần 24.000 tỉ đồng qua thị trường mở. Trong đó, cơ quan ngân hàng trung ương chỉ phát hành mới 18.000 tỉ đồng tín phiếu (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,75%/năm), ngược lại có tới 41.999 tỉ đồng đáo hạn trong tuần. 

Tuy nhiên, dấu hiệu căng thẳng thanh khoản nói trên dường như không liên quan đến việc lãi suất huy động VND bất ngờ tăng cao tại các ngân hàng từ giữa tháng 8.2019.

Cụ thể, dù mức mức lãi suất cho các kỳ hạn dài (trên 6 tháng) đã được các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đẩy lên mức cao nhất 8,5-8,7%/năm, nguyên nhân chính có thể chủ yếu xuất phát từ nhu cầu chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm.

"Áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn theo Basel II và tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về 40% cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên" - nhóm phân tích của BVSC đánh giá. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn