MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thanh khoản hao hụt qua từng tuần, nhà đầu tư đang chờ?

Đức Mạnh LDO | 25/10/2022 06:37
Lãi suất tăng lên và bối cảnh vĩ mô phức tạp đang dần hút tiền ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán. Dù vậy giới chuyên gia vẫn cho rằng trạng thái tĩnh lặng này là do nhà đầu tư vẫn đang âm thầm quan sát và sẵn sàng nhập cuộc khi có cơ hội.

Tiền chảy chỗ trũng

Theo giới chuyên gia, giờ đây, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân không còn mạnh và là yếu tố chính chi phối sự vận động của thị trường chứng khoán. Phần lớn dòng tiền này đã ở trạng thái thờ ơ và có dấu hiệu thả trôi theo dòng chảy hàng ngày của VN-Index.

Cụ thể, theo đà lao dốc của thị trường chứng khoán, thanh khoản cũng trượt dài hao hụt. Riêng từ đầu tháng 10 đến nay, giá trị giao dịch sụt giảm qua từng tuần. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá trị giao trung bình đạt 22.743 tỉ đồng/phiên, giảm 14,5% so với bình quân năm trước.

Thống kê tính đến cuối tháng 9 vừa qua, số dư tiền gửi của khách hàng tại hơn 30 công ty chứng khoán đạt gần 67 nghìn tỷ đồng, giảm đáng kể so với đầu năm là hơn 82 nghìn tỷ đồng. So với cuối quý 2 vừa rồi là trên 70 nghìn tỷ đồng thì đã có 3 nghìn tỉ đồng rút khỏi thị trường để tìm sang các kênh đầu tư khác.

Một trong những phương án an toàn với nhà đầu tư không chuyên là rút tiền để gửi tiết kiệm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã tăng nhẹ, dao động từ 6,5 - 8,6%. Với kỳ hạn 24 tháng thì cao nhất còn chạm mức 8,85%.

Tuy nhiên, bối cảnh vĩ mô phức tạp và lãi suất tăng lại đang đè nặng lên lợi nhuận của vàng và bất động sản. Kênh trái phiếu cũng đang e dè với những tin tức kém lạc quan từ những vụ việc gần đây, cũng như chờ Nghị định 65 được thi hành.

 Biểu đồ tuần của chỉ số chứng khoán VN-Index.

Khó khăn vẫn còn, nhiều tin xấu cần thời gian hấp thụ

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến Thiết, thị trường cần thời gian hấp thụ các thông tin xấu về vĩ mô như lãi suất tăng, tỷ giá biến động mạnh, khối ngoại bán ròng trước khi FED có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa và áp lực lên chính sách tiền tệ của Việt Nam giảm bớt. 

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chuyên gia phân tích CTCK Phú Hưng - nhận định: "Mức độ ảnh hưởng lên dòng tiền chung trên thị trường chứng khoán có thể tới từ việc cạn kiệt nguồn tiền từ bên ngoài doanh nghiệp do các kênh tín dụng và trái phiếu đều bị hạn chế. Từ đó các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng tìm nguồn vốn thông qua kênh cầm cố cổ phiếu tại các công ty chứng khoán bằng cách vay margin, nhằm xoa dịu bớt áp lực từ thanh khoản trong doanh nghiệp.

Với việc kênh tín dụng phải chờ tới năm 2023 “room” mới được mở, dòng tiền chung trên thị trường còn có thể còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm."

Quan sát từ ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích CTCK VPS, theo một vài số liệu thống kê, lượng tiền nằm trong các tài khoản chứng khoán của khách hàng vẫn là con số rất lớn. Chỉ là trong bối cảnh này thanh khoản chung xuống thấp khi cả người mua và người bán đều đang thận trọng với việc giao dịch mua bán cổ phiếu.

"Tôi thấy tâm lý của một số nhà đầu tư là chỉ hạn chế giao dịch một số ít cổ phiếu hoặc giữ vững danh mục hiện có, hoặc đơn giản một số người đứng ngoài thị trường và chưa mua bán giao dịch gì. Tôi nghĩ số lượng tiền rút ra khỏi thị trường cũng không phải là con số đáng báo động, nhiều nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát và đợi chờ cơ hội mà thôi."

Còn CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng thanh khoản thấp khiến cho khả năng tăng điểm của thị trường gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động giải ngân mới chỉ thích hợp cho việc mua gom tích lũy cổ phiếu cho các mục tiêu đầu tư trung dài hạn do thị trường đang ở vùng định giá hấp dẫn.

Do đó, BVSC nhận thấy đây là giai đoạn thị trường có thể tạo ra cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn khi sụt giảm mạnh. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mua khi thị trường giảm mạnh và chủ động bán chốt lời khi thị trường hồi phục tăng mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn