MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thành lập Tổng cục QLTT được hy vọng sẽ mang tới một đội ngũ chính quy chuyên nghiệp hơn, xóa bỏ nguy cơ cát cứ, hoạt động vì lợi ích người dân,và doanh nghiệp. Ảnh: P.V

Thành lập Tổng cục Quản lý thị trường: Xóa bỏ cát cứ, vì lợi ích doanh nghiệp

ĐỨC THÀNH LDO | 23/08/2018 07:20
Ngày 22.8, Bộ Công Thương tiến hành tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10.8.2018 của Thủ tướng chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Tổng cục QLTT.

Với việc Bộ Công Thương quyết định thành lập Tổng Cục QLTT, nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp mong đợi, sẽ có một đội quân chính quy, chuyên nghiệp và công tâm hơn.

Ngổn ngang công tác chuyển giao

Trong khi các bộ, ban, ngành khác đang tích cực tìm cách thu nhỏ bộ máy, xóa bỏ các tổng cục thì việc thành lập Tổng cục cũng khiến nhiều người nghi ngại về tính hiệu quả. Chính các cấp Chi cục QLTT tại địa phương hiện nay còn rất băn khoăn, đó là yếu tố con người. Nhiều đại diện QLTT cấp tỉnh bày tỏ vấn đề nhân sự thực sự là bài toán nan giải của họ, bởi hai vấn đề:

Thứ nhất, nhiều cán bộ thuộc diện hợp đồng chức năng nhiệm vụ nếu khi chuyển giao không được tiếp nhận sẽ gây xáo trộn bộ máy rất lớn, địa bàn trải rộng nhưng lực lượng có nguy cơ sụt giảm sẽ gây cản trở cho khả năng thực thi nhiệm vụ. Thứ hai, đối với cán bộ lãnh đạo, phải làm công tác tư tưởng nhưng lại vẫn phải rất kiên quyết khi sáp nhập. Nhiều đại diện QLTT địa phương cũng băn khoăn về việc chuyển giao tài sản, nguồn kinh phí đầu tư và hoạt động của lực lượng sẽ như thế nào khi hiện nay cơ chế hoàn toàn do các tỉnh chủ động, nay thuộc về Tổng cục thì việc giữ lại các nguồn kinh phí sau xử lý vi phạm sẽ ra sao?

Đại diện QLTT tỉnh Quảng Ninh cho rằng: “Hiện nay, khi báo cáo lãnh đạo địa phương có những vấn đề không giải trình được. Ví dụ mô hình Quảng Ninh là cục liên tỉnh hay cục độc lập? Rồi tỉnh cho cơ chế số thu từ hàng giả điều tiết 100% về cho chi cục, nên mỗi năm Chi cục có 14-15 tỉ đồng, tới đây về tổng cục không biết tỉnh có bố trí cho nữa không hay bộ?”.

Khắc phục tình trạng “trên bảo dưới không nghe”

Ngoài các băn khoăn về công tác tiếp nhận cán bộ lao động hợp đồng, đại diện QLTT tỉnh Thanh Hóa cho biết “mỗi năm tỉnh để lại toàn bộ kinh phí chống gian lận thương mại cho QLTT khoảng 20 tỉ đồng, bây giờ nguồn đó về tổng cục thì sẽ xử lý thế nào? Đồng thời, về ngành dọc, khi Cục QLTT địa phương tịch thu hàng hóa vi phạm, sau đó phương án xử lý sẽ do cấp nào phê duyệt? Phải làm rõ để có hướng dẫn cụ thể”.

Trước đó, phát biểu với báo chí, Phó Cục trưởng QLTT Trần Hùng cho biết, đôi khi Cục QLTT muốn làm nhưng vướng mắc rất lớn bởi không đủ thẩm quyền, vì QLTT cấp địa phương không thuộc ngành dọc nên xảy ra tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.

Đại diện QLTT tỉnh Long An và nhiều tỉnh khác cũng bày tỏ băn khoăn mối quan hệ phối hợp giữa Cục QLTT địa phương với chính quyền địa phương sẽ ra sao một khi đơn vị này không trực thuộc nữa? Vấn đề này thực tế đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh lý giải trước đó: “Nếu không có sự chỉ đạo tập trung, quan điểm xuyên suốt thì lực lượng QLTT khó có điều kiện phát triển, hình thành và đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Vì thế Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có Nghị quyết, phân công làm việc với các chính quyền địa phương để trao đổi.

Ủy viên Thường trực Các vấn đề xã hội của Quốc hội - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Lực lượng QLTT hiện nay chưa tương xứng với nhiệm vụ và tổ chức lỏng lẻo, dễ tạo ra tình trạng kiểu cát cứ, bao che. Bởi vậy, việc thành lập Tổng cục QLTT có thể thấy trước hết khắc phục được tính manh mún, cát cứ của cơ chế cũ. Khi theo hệ thống ngành dọc thì công tác cán bộ sẽ chặt chẽ hơn. Ở khía cạnh tổ chức, việc thành lập Tổng cục QLTT dựa trên cơ sở Pháp luật QLTT; Thứ hai, trong điều kiện chúng ta đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thương mại và giao lưu thì công tác quản lý thị trường hiệu quả là rất cần thiết; Thứ ba là, để làm được những mục tiêu lớn như thông quan điện tử, cơ chế 1 cửa, thương mại điện tử… cần thiết phải có lực lượng QLTT chuyên nghiệp, thống nhất thực hiện nhiệm vụ của mình tới từng “ngóc ngách” để làm trong sạch thị trường. DUY THIÊN

Ông Đỗ Chí Bình - GĐ Cty CP Sao Á Đông (Hà Đông - HN): Việc QLTT thường xuyên kiểm tra hoạt động SXKD của DN không đi vào các hoạt động SXKD chính của DN mà thường chỉ bắt lỗi để hạch sách gây nhiều bức xúc cho DN. Trong khi đó, ngoài việc chấp hành các quy định của Nhà nước, DN cũng phải đáp ứng các yêu cầu của đối tác, đặc biệt những đối tác nước ngoài họ yêu cầu rất khắt khe ngoài chất lượng sản phẩm họ còn yêu cầu về môi trường, thuế, nhân công và việc thực hiện trách nhiệm xã hội... Do đó, tôi mong muốn khi thành lập được Tổng cục QLTT thì lực lượng này sẽ hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nhất là những DNNVV tránh tình trạng trên bảo dưới không nghe gây khó khăn cho DN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn