MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vào chính vụ, thanh long tại Tiền Giang được thu mua với giá rất thấp. Ảnh: Thành Nhân

Thanh long rớt giá mạnh, nông dân Tiền Giang kém vui

Thành Nhân LDO | 03/07/2023 16:00

Tiền Giang - Vào thời điểm chuyển mùa, giá thanh long rất cao, khoảng 43.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bước vào mùa vụ, giá của trái cây này lại giảm rất sâu khiến người nông dân ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) kém vui.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn tỉnh có khoảng 9.000 ha trồng thanh long.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động trong sáng ngày 3.7, trên địa bàn huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), hiện giá thanh long ruột đỏ loại 1, loại 2 và loại 3 được thương lái thu mua với giá lần lượt là 16.000 đồng, 11.000 đồng và 6.000 đồng/kg.

Dọc theo Đường tỉnh 879C, hướng từ xã Long Bình Điền (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) về thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), hai bên đường có nhiều vựa thu mua thanh long, tại các điểm thu mua, lượng hàng về nhiều. Tuy nhiên, giá thanh long thấp, một số người nông dân trồng trái cây này phải chở từng sọt thanh long đem đến địa điểm bán trong tâm trạng không có niềm vui khi thu hoạch.

Dọc theo Đường tỉnh 879C, hai bên đường trồng thanh long đang cho ra trái nhưng giá bán rất thấp. Ảnh: Thành Nhân

Ông Lê Văn Ri (ngụ ở ngụ ở xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông có trồng thanh long được 2.000m2. Với giá như hiện nay không đủ chi phí cho phân thuốc, thuê nhân công vuốt trái,... Vụ mùa này xem như lỗ nặng. Tuy nhiên, dù giá thấp nhưng cũng đành phải bán vì nếu không sẽ còn lỗ nặng nữa.

Ông Phạm Văn Hữu (ngụ ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình của ông trồng thanh long ruột đỏ với diện tích hơn 4.000 m2. Vào vụ chính năm nay, gia đình ông đã vặt búp bỏ không lấy trái.

“Vào cuối năm 2022, giá thanh long sụt giảm gần như cho không. Thời điểm này, vào mùa vụ chính của thanh long mà thương lái thu mua với giá quá thấp nên tôi cũng không thấy tiếc khi đã vặt búp không để cây cho ra trái”, ông Hữu chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp - nhà nghiên cứu kinh tế ĐBSCL - chia sẻ: Sau hơn 1 năm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đến nay, chưa có tỉnh, thành nào ở ĐBSCL đã được phê duyệt hay công bố quy hoạch của tỉnh dựa trên quy hoạch vùng.

“Việc phát triển cây ăn trái không phải là cái sai nhưng phải được tính toán trong một bài toán về cung cầu làm sao đảm bảo sản phẩm làm ra có địa chỉ tiêu thụ. Nó đòi hỏi bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống lâu nay chỉ nhìn ở lợi thế vùng trồng chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp phải tiêu thụ được và người nông dân có lời” - Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhận định.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, để phát triển nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch vùng ĐBSCL, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ và khẩn trương cụ thể hóa quy hoạch của mình dựa trên quy hoạch vùng ĐBSCL và gắn kết với lợi thế từng của 3 vùng bao gồm: Vùng sinh thái ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển và vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng.

Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư chế biến để đa dạng sản phẩm, việc phát triển các vùng trồng phải đảm bảo cân đối, gắn liền với hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics vào những cụm chế biến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn