MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sẽ thanh tra toàn diện thị trường Bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Thanh tra bảo hiểm nhân thọ: Điểm tên các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay

Thanh Giang LDO | 26/06/2023 18:34

Thông tin Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ là nội dung được dư luận quan tâm.

Như Lao Động đã thông tin, Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ phối hợp với cơ quan hữu quan khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trong số này, thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ là nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt sau những ồn ào của thị trường bảo hiểm trong thời gian qua.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, hiện nay trên thị trường đang có 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Bao gồm: Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Chubb Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Cathay Việt Nam...

Danh sách các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hiện nay. Ảnh: Chụp màn hình.

Liên quan đến thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, mới đây, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 công ty bảo hiểm nhân thọ uy tín năm 2023. Bao gồm những tên tuổi quen thuộc như Tổng công ty Bảo Việt Nhân Thọ, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam...

Theo Vietnam Report, loạt lùm xùm liên quan tới kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung suy giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử gần 30 năm phát triển tại Việt Nam.

Sự việc trên chưa dừng lại ở đó mà được đẩy lên cao trào khi một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khác bị tố tư vấn mập mờ và thiếu trách nhiệm với khách hàng, dẫn đến lượng tin tiêu cực về ngành bảo hiểm (phần lớn là thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội hoặc theo phương thức truyền miệng) gia tăng đột biến. Kết quả là tổng doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 93.178 tỉ đồng, giảm gần 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của thị trường. Tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn, sẽ còn rủi ro ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Ảnh: Chụp màn hình.

Trước đó, từ cuối năm 2022, từ những phản ánh của khách hàng mua bảo hiểm và báo chí, nhất là việc nhân viên ngân hàng chào mời, ép khách mua bảo hiểm. Lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm qua ngân hàng đồng thời lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin kiến nghị liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.

Thông tin về thị trường bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2023 và kế hoạch nhiệm vụ trong tháng 6, Bộ Tài chính giao Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm khẩn trương lưu hành kết luận thanh tra tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam; Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn