MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phát triển logistics xanh còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ. Ảnh: Tạ Quang

Tháo gỡ các điểm nghẽn để ngành logistics Việt Nam phát triển xứng tầm

Vũ Long LDO | 14/05/2024 21:35

Phát triển logistics theo hướng xanh là hướng đi của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được mục tiêu này.

Ngành logistics phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Chia sẻ với Lao Động, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của Agility năm 2023, Việt Nam nằm trong top 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Ảnh: Tân cảng Sài Gòn

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

"Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. Cụ thể, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường" - ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Bên cạnh đó, Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỉ trọng 85% lượng khí phát thải. Trong khi đó, vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không “gặp khó” do khổ đường, diện tích lòng sông, hạn chế chiều dài bến cảng…

Những rào cản đang làm chậm mục tiêu logistics xanh

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - cho hay: "Có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được về vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng phát triển đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, có tới gần 65% doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp".

Logistics chuyển đổi xanh thể hiện ở chỗ đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh… Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với lợi thế linh hoạt cũng đã và đang hưởng ứng với xu hướng logistics xanh, lan tỏa thông điệp ý nghĩa về môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng logistics hạn chế liên quan phương tiện vận chuyển và mạng lưới giao thông vận tải cũng là điểm nghẽn; chất lượng cơ sở hạ tầng hạn chế khiến ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp.

Hệ thống kho bãi cũng chưa theo kịp các nước, tỉ lệ hư hỏng hàng hoá còn cao hoặc chưa chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo.

"Nhằm phát triển logistics xanh, doanh nghiệp được khuyến khích sử dụng các bao bì làm từ vật liệu tái chế hoặc dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, trong hoạt động đóng gói, hiện mới có khoảng 42% doanh nghiệp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton và chỉ 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ"- ông Đào Trọng Khoa nói.

Triển lãm ngành logistics Việt Nam

Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) sẽ diễn ra từ ngày 1-3.8.2024 tại TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh hoạt động trưng bày gian hàng, giới thiệu sản phẩm, VILOG 2024 cũng diễn ra các hội thảo chuyên đề về các vấn đề nóng, xu hướng mới trong lĩnh vực logistics.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn